Các biện pháp tự nhiên tránh muỗi đốt phòng sốt xuất huyết đơn giản, hiệu quả

Virus gây bệnh sốt xuất huyết lây bệnh bằng con đường muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua vết đốt. Chính vì vậy, việc phòng ngừa muỗi đốt để ngăn ngừa sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng.

Mỗi năm, vào mùa mưa ẩm ướt dịch sốt xuất huyết lại bùng phát, thậm chí số ca mắc bệnh còn có xu hướng gia tăng. 

Bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy theo khuyến cáo của ngành y tế như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước; Thả các loại cá nhỏ, cá bảy màu, cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...), dọn vệ sinh môi trường,…để diệt lăng quăng, bọ gậy, để tránh muỗi vào đẻ trứng, trú ẩn.. thì mỗi gia đình có thể áp dụng các biện pháp đơn giản dưới đây để tránh muỗi đốt phòng sốt xuất huyết.

Hãy tham khảo tác dụng của một số cách đơn giản, sử dụng thảo dược tự nhiên có tác dụng đuổi muỗi tốt nhất hiệu quả dưới đây:

Một số cách đuổi muỗi đơn giản hiệu quả để phòng sốt xuất huyết

Việc sử dụng những biện pháp xua đuổi muỗi hiệu quả đơn giản dễ áp dụng. 

Dùng vỏ cam, quýt khô đốt cháy cho lên mùi, muỗi sẽ tự động tránh xa. 

Muỗi rất sợ các mùi hương của tinh dầu, vì vậy, tinh dầu được xem là phương pháp đuổi muỗi rất hiệu quả mà lại an toàn vô cùng. Tinh dầu bạn có thể sử dụng cho việc đuổi muỗi là tinh dầu chanh, sả, quế…dùng bôi tinh dầu lên quần áo để đuổi muỗi hoặc cho vào bộ khuếch tán tinh dầu để đuổi muỗi cho cả căn phòng.

Sử dụng bồ kết cũng được xem như một biện pháp hữu hiệu xua muỗi, côn trùng. Mọi người thường dùng bồ kết đốt để làm sạch không khí và diệt khuẩn xua đuổi côn trùng và muỗi hiệu quả.

Dầu gió cũng được mọi người sử dụng chống muỗi rất hiệu quả. Có thể đặt những chai dầu gió tại góc tường, góc nhà sẽ lan tỏa ra không khí. Hoặc sử dụng vài giọt dầu gió lên các vật dụng như màn, quần áo,… sẽ xua đuổi muỗi hiệu quả.

Một số cây có thể trồng hoặc sử dụng giúp xua đuổi muỗi

Húng quế 
Húng quế có khả năng xua đuổi ruồi và muỗi. Tinh dầu húng quế tươi cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng rất hiệu quả. Có thể vò nát húng quế hoặc đặt lá húng quế ở bệ cửa sổ là đã có thể ngăn cản côn trùng xâm nhập vào nhà. Chúng ta có thể trồng dọc các lối đi hoặc trồng xen lẫn với các loại cây trồng cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng rất hiệu quả.

Oải hương 
Cây oải hương có tác dụng đuổi bọ nhậy, ruồi và muỗi. Con người rất thích mùi oải hương nhưng ruồi muỗi rất ghét. Tinh dầu hoa oải hương bôi lên da có thể tránh muỗi. Oải hương còn có tác dụng dưỡng da, giúp ngủ sâu giấc... Có thể dùng hoa oải hương khô để trong nhà. Chúng ta có thể trồng nó ở những nơi nhiều nắng gần lối ra vào. Các bó hoa khô trong nhà sẽ khiến côn trùng rời xa ngôi nhà của bạn.

Sả 
Sả có chứa citronella tác dụng đuổi côn trùng rất tốt. Sả có thể đuổi muỗi, rầy, rệp,... Mùi sả cũng giúp bạn thư giãn, rất tốt cho sức khỏe. Sả là loại cây dễ trồng và sẵn có nhiều ở Việt Nam. Có thể trồng sả hay dùng vài cọng sả tươi, sau đó chỉ cần đập dập để sả tỏa ra hương thơm, và treo lên góc phòng. Đến khi sả khô lại và không còn mùi thơm thì thay thế bằng bó khác.

Cây xạ hương chanh 
Chất tiết ra khi lá cỏ xạ hương chanh bị dập sẽ giúp đuổi côn trùng. Loại thảo mộc này có thân và lá cứng cáp và là một cây ưa nắng. Lưu ý rằng tự bản thân cây không thể xua đuổi muỗi và côn trùng. Bạn cần phải làm cho lá của nó dập nát hoặc cắt một vài nhành cây vò nhẹ mới có tác dụng.

Bạc hà 
Mùi thơm trong bạc hà có cả ở trong thân và hoa có tác dụng đuổi muỗi, loại bỏ côn trùng. Dầu thơm bạc hà và trộn nó với giấm táo hoặc một chút rượu trắng còn có khả năng làm dịu các vết đốt của côn trùng. Ngoài ra, tinh dầu từ bạc hà còn tác dụng giúp làm sạch không khí, khử mùi, diệt khuẩn, đem đến hương thơm dễ chịu cho không gian gia đình. Đặc biệt, với những nơi ẩm thấp, ít ánh sáng mặt trời thì sử dụng tinh dầu bạc hà là một trong những phương pháp giúp khử mùi hôi, nấm mốc, làm giảm độ ẩm cực kỳ hiệu quả.

Hương thảo 
Hương thảo có thể đuổi muỗi và một số loài côn trùng gây hại. Có thể đặt chậu cây hương thảo trong nhà, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp hoặc ngoài sân vườn, dọc hàng rào, nên đặt đầu hướng gió, đặt tại bệ cửa sổ, gần hồ cá, hoặc ở những nơi ẩm thấp mà côn trùng ưa thích. 

Nguồn báo Sức khoẻ & Đời sống

 


Các bài viết liên quan