Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Các phương án phòng, chống dịch đã sẵn sàng

Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, do xâm nhập từ nước ngoài. Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khẳng định cho đến nay các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc thì đối với trường hợp này khó có khả năng lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Việt Nam đủ điều kiện xét nghiệm, điều trị bệnh

Theo Bộ Y tế, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam là bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TPHCM khởi phát bệnh ngày 18.9.2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7.2022 đến 22.9.2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận tại TPHCM, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Về nguồn lây, đây là trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày, có triệu chứng ở nước ngoài, khi về Việt Nam đã mắc rồi. Đối với các trường hợp tiếp xúc (người trong gia đình, cán bộ y tế) được theo dõi, giám sát, đến nay những người này hơn 10 ngày không có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ và sẽ được cách ly 21 ngày.

Bộ Y tế gửi văn bản yêu cầu TPHCM huy động các nguồn lực rà soát, đánh giá. Cho đến nay các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc, đối với trường hợp này khó có khả năng lây lan trong cộng đồng.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết, các bệnh viện bằng các kỹ thuật và những sinh phẩm làm được xét nghiệm để phát hiện ca bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta phối hợp với các tổ chức trên thế giới có được các nguồn sinh phẩm để xét nghiệm, nghiên cứu, kể cả giải trình tự gen đáp ứng được nhu cầu khi có những trường hợp cần xét nghiệm. Còn về vấn đề điều trị, GS-TS Phan Trọng Lân cho biết: Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là phát hiện được ca bệnh, khoanh vùng xử lý không để lây lan. Đó là yếu tố hết sức quan trọng đối với cộng đồng.

Nhận định về những nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam sau ca bệnh đầu tiên xâm nhập, GS-TS Phan Trọng Lân cho rằng: Đối với đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng với tần xuất mắc cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập Việt Nam là hiện hữu.

"Dù xâm nhập hay không thì chúng ta đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt nơi thăm khám các bệnh lây qua đường tình dục nâng cao cảnh giác; mỗi người dân nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khai báo vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác"- ông Lân nói.

Trước nguy cơ lây lan trong cộng đồng, Việt Nam đã xây dựng kịch bản phòng chống, điều trị đậu mùa khỉ với các tình huống khác nhau. "Chúng ta đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản có thể linh hoạt nhằm đảm bảo khi có trường hợp ca bệnh thì đáp ứng kịp thời"- GS-TS Phan Trọng Lân nói.

Về năng lực xét nghiệm của Việt Nam, khi có trường hợp nghi ngờ chúng ta đã xét nghiệm được bằng PCR, kể cả giải trình tự gen. Chúng ta thường xuyên tăng cường cập nhật, phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật về sinh phẩm, phương pháp chẩn đoán để phục vụ người dân.

Theo GS Lân, hiện nay có 2 chủng lưu hành, ở Trung Phi và Tây Phi. Đối với chủng ở Tây Phi nhẹ hơn, hiện nay hầu hết các trường hợp ghi nhận bên ngoài khu vực Châu Phi (Châu Âu, Châu Mỹ và các nước khác). Với chủng ở Tây Phi tỉ lệ tử vong thấp hơn. Tuy nhiên cần các đánh giá dịch tễ sâu hơn nữa, nhất là đối với những trường hợp hiện nay hoặc trên các đối tượng không phải nguy cơ cao. Với chủng ở Tây Phi tỉ lệ chết/mắc ít hơn so với chủng ở Trung Phi.

Điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động.

Cụ thể như chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế: giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh Đậu mùa khỉ.

Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Bộ Y tế cũng nêu rõ khi ghi nhận trường hợp bệnh cần khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời nghiêm túc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định. 

Nguồn báo Lao động

 


Các bài viết liên quan