Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19
Ngày 10/2/2022, tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em bị nhiễm COVID 19 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng bất ngờ; chỉ đạo, tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc COVID 19”.
Thực hiện chỉ đạo trên, sáng 16/02/2021, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Y tế các Bộ ngành 63 tỉnh thành phố và các đơn vị liên quan…
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, một trong những hoạt động góp phần vào thành công trong việc kiểm soát đại dịch là việc tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Đến nay, số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.434.205 liều, trong đó: mũi 1: 8.469.650 liều; mũi 2: 7.964.555 liều.
42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 57% - dưới 80%.
Bộ Y tế cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Về tình hình dịch COVID-19 đối với trẻ em, tính đến từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc của trẻ em dưới 18 tuổi là 19,2% (trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi). Tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%. Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng.
Hình ảnh các điểm cầu tham dự hội nghị
Thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể đón học sinh trở lại trường học tập trung. Tuy nhiên tại hội nghị, các chuyên gia cũng chia sẻ, trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc COVID-19 sẽ cao. Do vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine.
Một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh khác phù hợp với kịch bản từng giai đoạn phát triển của dịch ở từng địa phương.
Đồng thời các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, bố trí phòng cách ly tạm thời tại các trường học rồi phòng học dự phòng trong tình huống có học sinh nghi nhiễm, nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, trường học và trạm y tế địa phương phải phối hợp chặt chẽ để xử lý các tình huống dịch bệnh tại nhà trường...
Về phía y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết...
Đối với các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 cũng cần nâng cao năng lực điều trị nhi khoa mắc COVID-19, chuẩn bị sẵn một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cứu tăng...
“Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo và các Bộ/ngành liên quan, chỉ đạo hệ thống y tế các cấp triển khai tốt nhất công tác phòng, chống COVID-19, thực hiện thành công các mục tiêu về sức khỏe cho trẻ em, đảm bảo quyền sống còn của trẻ em”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính bao gồm:
1. Hướng dẫn xử trí khi phát hiện trẻ em bị mắc COVID-19 tại trường học và tại nhà;
2. Hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại nhà;
3. Hướng dẫn xử trí và điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại các bệnh viện.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe tham luận một số nội dung như: Báo cáo tình hình điều trị COVID-19 cho trẻ em; Hướng dẫn xử trí khi trẻ bị mắc COVID-19 tại trường học và tại nhà; Nghe các chuyên gia hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại bệnh viện và trả lời một số thắc mắc của từ các đơn vị tham dự./.
Trích nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ y Tế