Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việt Nam triển khai rất thành công, đồng bộ chiến lược vacccine

Trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định từ nay đến cuối năm, dịch tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết “chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, có một bộ phận người dân không áp dụng khuyến cáo như 5K”.

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Trong phiên chất vấn buổi sáng, có 24 đại biểu hỏi và tranh luận với nhiều nội dung đáng quan tâm.

Hà Nội có đặc trưng riêng nên chống dịch phải đánh giá rất kỹ lưỡng

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho biết nhiều cử tri sống ở các chung cư lo lắng về việc bắt buộc đưa F1 đưa đi cách ly tập trung mà không xem xét trường hợp cụ thể. Ví dụ, người tiêm 2 mũi, thực hiện 5K, chỉ tiếp xúc vài giây trong thang máy với F0 vẫn phải đi cách ly tập trung 14 ngày, trong khi đủ điều kiện cách ly tại nhà.  

Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay trong thời gian qua, Bộ Y tế căn cứ trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã có hướng dẫn xét nghiệm, cách ly đối với người đi từ vùng dịch trở về. 

Đối với cấp độ 3, cấp độ 4 phân ra nhiều quy định: Đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine, chỉ cần theo dõi y tế 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất; Đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như vậy; Đối với người đã tiêm 1 mũi vacicne thì cách ly tại nhà 7 ngày; Đối với người chưa được tiêm vaccine thì cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý điều này tùy thuộc vào điều kiện vào từng địa phương. Trong khuyến cáo của Bộ Y tế nêu rõ tùy mức độ, tùy địa phương, vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư hay nơi có nhiều người dân sinh sống mà độ bao phủ vaccine chưa cao thì cần linh hoạt, đảm bảo cách ly an toàn. Bộ trưởng cho rằng, đối với những khu chung cư đông người mà có độ phủ vaccine chưa cao thì chúng ta áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Bộ Y tế đã có hướng dẫn.

Bộ trưởng cho biết đã trao đổi với một vài địa phương và Hà Nội về nội dung này. Ông nhấn mạnh, không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày mà chỉ cách ly tại nhà 7 ngày và đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Liên quan đến vấn đề cách ly F1 tại Hà Nội mà ĐBQH quan tâm, tham gia tranh luận, bà Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đoàn Hà Nội) cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, năng lực y tế, khu cách ly tập trung... từng địa phương đưa ra giải pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân, phòng chống lây lan trong cộng đồng.

Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về và F1. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Hôm qua, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp, khó lường.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và cách ly, thích ứng linh hoạt với tình hình địa phương", bà Hà nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch của Hà Nội. Theo ông, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước nên mọi quyết định, chính sách phải được đánh giá kỹ lưỡng. Bộ đồng tình các giải pháp chống dịch được thực hiện linh hoạt với từng địa phương, địa bàn theo hướng dẫn chung.

Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả theo đặc thù từng địa phương, nguy cơ dịch bệnh và khả năng của hệ thống y tế trên địa bàn... Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, các địa phương điều chỉnh dần biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng bộ.

"Tôi lưu ý cùng một cấp độ dịch bệnh thì biện pháp không nên khác nhau quá nhiều", người đứng đầu ngành Y tế nói, mong muốn Thủ đô sẽ quản lý phòng, chống dịch tốt.

"Các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà hạn chế việc trẻ đến trường"

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực trạng một số tỉnh người lớn đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến. "Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng ý kiến thế nào?", bà Thuỷ nêu.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai với các địa phương, trong đó, tinh thần là "các địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà hạn chế việc trẻ em đi học trực tiếp, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc Tiểu học".

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học, để vừa học nhưng cũng đảm bảo phòng chống dịch an toàn.

Ông nói thêm, các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học vì "hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, trẻ 6-11 tuổi không thể đợi chờ vaccine được". Hơn nữa, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không cao như lứa tuổi lớn hơn.  Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo khuyến cáo "các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, Nghị quyết 128 nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; cấp độ 2 cũng tương tự như vậy. Vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.

Từ nay đến cuối năm, dịch COVID-19 còn rất phức tạp

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) chất vấn vấn đề về công tác dự báo diễn biến dịch chất lượng ra sao? Từ nay đến 2022 như thế nào có khó khăn gì? Trách nhiệm Bộ Y tế trong tham mưu triển khai chiến lược vaccine. Làm thế nào để công bằng? Có địa phương đề nghị tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ em, nhiều địa phương ĐBSCL còn chưa tiêm đủ?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay đến nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo dịch bệnh không thể kết thúc trong năm 2022, mà hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự như cúm mùa. Một số nước đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục có biến chủng.

"Đây là dịch chưa có tiền lệ, nhưng khi các biến chủng nhanh và mạnh nên việc dự báo rất khó khăn" - Bộ trưởng nhìn nhận việc dự báo ở nhiều địa phương chưa sát và tới đây sẽ trao đổi thêm với thế giới để nâng cao hơn chất lượng dự báo. 

Theo tư lệnh ngành Y tế, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19, dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. "Bộ Y tế rất quan ngại" - ông nói và cho biết Chính phủ, Bộ Y tế đã liên tục chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng chống dịch. 

 Nhận định từ nay đến cuối năm, dịch tiếp tục diễn biến rất phức tạp, Bộ trưởng cho biết hiện “chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, có một bộ phận người dân không áp dụng khuyến cáo như 5K”. 

 Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác được Bộ trưởng chỉ ra là miền Bắc vào mùa lạnh, khi Tết đến có nhiều hoạt động đông người nên sẽ rất đáng quan ngại với dịch bệnh COVID-19. Nhân diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương phải hết sức quan tâm vấn đề phòng chống dịch từ nay đến đầu năm 2022; cần tăng phủ vaccine càng nhanh càng tốt để giảm mắc và giảm tử vong. Ông nhấn mạnh phòng chống dịch luôn là trọng tâm trọng điểm, là ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Việt Nam triển khai rất thành công, đồng bộ chiến lược vaccine

Liên quan tới vấn đề vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chiến lược vaccine của Việt Nam đã triển khai rất thành công và đồng bộ dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các ngành… Cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam đã mua và nhập khẩu, các hợp đồng, cam kết lên tới gần 200 triệu, thoả thuận, cung ứng và tới đây có thể lên tới hơn 200 triệu. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine để tăng vaccine về Việt Nam nhanh và nhiều nhất.

Thứ hai, Việt Nam đang triển khai tự chủ vaccine qua nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, khả năng tới đây sẽ có vaccine được cấp phép.

Thứ ba, tiêm chủng đã triển khai trên quy mô lớn nhất từ trước tới nay, tiêm được 94 triệu liều.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến ĐBQH về việc đảm bảo công bằng trong tiêm chủng vaccine COVID-19. Theo đó, dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, việc phân bổ vaccine ưu tiên theo khu vực, vùng nguy cơ, tình hình dịch...

Việt Nam có 72 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 1 và tiêm trả mũi 2. Bộ Y tế khẳng định nguồn cung năm nay đủ để bao phủ 2 mũi vaccine cho người trên 18 tuổi của cả nước và nhóm từ 12-17 tuổi. Về kế hoạch tiêm mũi 3, theo Bộ trưởng, cuối năm nay mới có kế hoạch. Một vài địa phương đưa ra tuyên bố tiêm mũi 3 nhưng Bộ Y tế lưu ý phải theo hướng dẫn chung của Bộ để "đảm bảo công bằng nhất định trong phân bổ vaccine, vì có 1 số địa bàn rất nóng, rất căng". 

Nguồn báo Gia đình & Xã hội

 


Các bài viết liên quan