Biến thể BA.4 và BA.5 xâm nhập: Không chủ quan, mất cảnh giác

Sự xuất hiện của các biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đã làm số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh trên toàn cầu. Tại Việt Nam đã ghi nhận biến thể phụ này, và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.

Tốc độ lây lan lên đến 13%

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron với 3 dòng BA.1, BA.2 và BA.3 xuất hiện vào cuối tháng 11-2021 tại Nam Phi, sau đó lan ra toàn cầu. BA.4, BA.5 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 và tháng 2-2022 cũng tại Nam Phi rồi lan dần ra nhiều nước. Trong tuần qua, toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới tăng 18%, số ca tử vong mới tăng 3% so với tuần trước đó. Số ca mắc và tử vong tương ứng với biến thể BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và với BA.5 là tăng từ 28% lên 43%.

Các chuyên gia đánh giá, biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10%-13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến thể Delta trước đó. Mặc dù các biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó, đặc biệt sau khi đã tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh, nhưng các dữ liệu cho thấy, biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỷ lệ nhỏ người mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ. Dù chỉ một tỷ lệ nhỏ những người bị mắc các biến thể Omicron cần nhập viện, nhưng nếu một số lượng lớn các ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khả năng gây các biến chứng hậu Covid-19 của các biến thể này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, TPHCM đã công bố phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm dưới 30 ca/ngày).

Biện pháp hiệu quả là vaccine

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine vẫn là biện pháp y tế hiệu quả nhất để ngăn ngừa Covid-19. Vaccine hiệu quả cả trong việc ngăn chặn lây lan dịch lẫn bảo vệ khỏi chuyển nặng và nhập viện; giảm chi phí cho gia đình, xã hội và giảm được công sức, chi phí chăm sóc người bệnh nếu không may mắc Covid-19. Tuy vậy, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa Covid-19 giảm dần theo thời gian, nên các nhà chuyên môn khuyến nghị tất cả mọi người trong nhóm được chỉ định đều phải tiêm vaccine đầy đủ, đúng kỳ hạn để bảo đảm có kháng thể cần thiết chống lại virus.

Theo WHO, dù các biến thể phụ hiện nay của Omicron lây lan khá nhanh, nhưng vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine, và nếu không may mắc bệnh thì bệnh không nặng. Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 11-7, cả nước đã tiêm được khoảng 66 triệu liều vaccine Covid-19 mũi 3 và 4. Bộ Y tế khẳng định, với các biến thể phụ của Omicron, việc phòng bệnh từ vaccine vẫn được coi là yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Khi biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh, thậm chí “lách” miễn dịch thì việc mắc bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. PGS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; kể cả đối với người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19. Với những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm mũi 3 và mũi 4 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Bởi sau tiêm mũi 3 và mũi 4 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể trong máu, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển nặng và ca tử vong.

TPHCM lên kịch bản ứng phó

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngành y tế đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách, với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số; tiếp tục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ. Tất cả các bệnh viện (BV) trên địa bàn hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc Covid-19 có các bệnh lý cấp, mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa, đơn vị điều trị Covid-19.

Các BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố cùng với các BV trung ương trên địa bàn sẽ là các BV tuyến cuối về điều trị Covid-19. BV dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho BV Bệnh nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Ngoài ra, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng có kế hoạch sẵn sàng mở lại BV dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại. 

Nguồn báo Sài Gòn giải phóng

 


Các bài viết liên quan