BỆNH VIÊM MÀNG NÃO DO VI RÚT TĂNG NHANH TẠI ĐỒNG NAI
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, từ đầu tháng 6/2019 đến nay, bệnh viêm não đang vào mùa, số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh.
Bệnh nhi đang điều trị viêm não do virus tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bé N.T.P.T (2 tuổi, ngụ tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) nhập viện trong tình trạng sốt cao (39,5 độ C), tim đập nhanh 200 lần/phút (bình thường 100 - 120 lần/phút), tím tái, ngưng thở. Người nhà bệnh nhi cho biết, cả gia đình “trở tay không kịp” vì diễn tiến bệnh quá nhanh. Một ngày trước khi nhập viện, bé T chỉ sốt nhẹ, ăn uống và chơi bình thường, do vậy, gia đình chỉ dùng thuốc hạ sốt cho bé uống. Tuy nhiên, ngay sau đó, bé rơi vào tình trạng bệnh nặng.
Ngay sau khi nhập viện, các bác sỹ đã tiến hành hồi sức ngay cho bé và chụp CT não phát hiện bé bị phù não lan tỏa. Tình trạng này là dấu hiệu bắt đầu của chứng hư não do thiếu oxy, rất nguy hiểm. Bệnh nhi được thở máy và điều trị tích cực bằng truyền thuốc kháng virus, tăng nồng độ miễn dịch (Gamma globulin). Hiện tình trạng sức khỏe của bé T đã tạm ổn. Bé đã cai được máy thở, mạch, huyết áp trở về chỉ số bình thường. Tuy nhiên, để phục hồi các cơ quan và tránh di chứng, bé phải trải qua quá trình tập vật lý trị liệu.
Theo Bác sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trung bình mỗi tháng, Khoa tiếp nhận từ 20 - 30 ca nhập viện điều trị viêm não. Khoa đang tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp bị viêm não rất nặng do virus EV71. Qua ghi nhận thực tế, chủng virus gây bệnh viêm não năm nay phức tạp và có độc lực cao hơn. Virus khi đánh vào trung tâm hô hấp tuần hoàn sẽ gây ngưng tim, ngưng thở. Chỉ cần 5 - 10 phút, người bệnh có thể tử vong.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, virus EV71 nằm trong nhóm virus gây bệnh viêm não và là virus độc nhất, có khả năng gây tử vong cao nhất trong nhóm gây bệnh tay - chân - miệng. Các ca nhập viện do viêm não thường khá nặng, phải thở máy. Năm nay, trẻ bị viêm não thường rơi vào tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sớm, diễn tiến bệnh không rõ ràng và hôn mê. Nhiều gia đình bệnh nhi cho biết, sáng trẻ chỉ sốt nhẹ, vẫn chơi và ăn uống bình thường nhưng đến chiều trẻ đã rơi vào hôn mê.
Nhóm viêm não do virus EV71 không có vắc xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị nâng đỡ. Tuy nhiên, loại virus này chỉ ở trong cơ thể từ 1-2 tuần sẽ chết. Khi mắc bệnh phải có sự can thiệp y tế, bệnh nhi mới qua khỏi.
Các bác sỹ cho biết, dấu hiệu nhận biết bệnh EV71 là trẻ bị sốt cao liên tục (uống thuốc không hạ sốt), nôn ói, nằm li bì, không nhận biết xung quanh, đi đứng loạng choạng, run tay chân, nói sảng, co giật… Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh khi thấy các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu, bệnh càng nặng và khó điều trị hoặc trẻ có thể bị di chứng, ảnh hưởng nặng nề về sau.
Bệnh lý do siêu vi thường do lây qua đường tiêu hóa như ăn uống, thói quen mút tay của trẻ và muỗi đốt. Do đó, muốn giảm được bệnh viêm não, người dân phải phòng trừ muỗi đốt và ăn uống hợp vệ sinh.
Đồng Nai hiện lưu hành cả ba dòng viêm não chính gồm: viêm não Nhật Bản, viêm não do Herpes simplex và nhóm viêm não do tay chân miệng. Thời gian gần đây, bệnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là vào mùa tựu trường. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai xuất hiện hai mạch bệnh nguy hiểm là sốt xuất huyết và viêm não, số bệnh nhân đang tăng cao. Vì vậy, khi trẻ sốt, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để sớm được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trước đó, ngày 16/8, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã ghi nhận một trường hợp trẻ 5 tuổi tử vong do bệnh viêm não diễn tiến quá nhanh.
Nguồn báo TTXVN