Bệnh do virus Marburg bùng phát tại Tây Phi: Nguy hiểm nhưng không dễ lây
Mặc dù không phải là dịch bệnh mới nhưng bệnh do virus Marburg lại nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây truyền dễ dàng giữa người với người thông qua tiếp xúc ngoài da, với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết… Bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi căn bệnh nguy hiểm này đang có dấu hiệu bùng phát tại khu vực Tây Phi.
Tỷ lệ tử vong rất cao
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), qua giám sát cho thấy, đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg đang xảy ra tại Guinea Xích đạo. Đến nay, đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi nhiễm tại các quốc gia Tây Phi. Loại virus này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade.
Bệnh do virus Marburg gây nên có thời gian ủ bệnh từ 2-3 tuần. Người nhiễm virus Marburg có triệu chứng bắt đầu sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới 1 tuần. Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt. Hầu hết trường hợp bệnh nhân tử vong sau hơn 1 tuần mắc bệnh và tử vong thường đi kèm với sốc, mất máu nghiêm trọng.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, virus Marburg không lây qua không khí, khí dung hay giọt bắn như SARS-CoV-2, hay các bệnh lây truyền qua đường hô hấp phổ biến, mà chủ yếu thông qua dịch tiết cơ thể và đường máu. Người nhiễm bệnh có hậu quả rất nghiêm trọng, như sốt nặng, máu chảy ra toàn thân và đến ngày thứ 9-10 của bệnh thì tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao, nằm trong khoảng 24%-88% và thậm chí cao hơn. Ở những nước điều trị tốt, tỷ lệ tử vong cũng là 30%.
BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng, bệnh do virus Marburg đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới; người dân không nên quá hoang mang do khả năng lây lan của bệnh này tương đối thấp. Đặc điểm của virus Marburg là khi lây bệnh thì tỷ lệ tử vong cao, vì vậy với người mắc bệnh là cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng nên căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Giám sát chặt người nhập cảnh
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Hiện bệnh chưa có vaccine dự phòng và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu chữa triệu chứng. “Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, hay với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết như máu hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân cũng có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, việc tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và vệ sinh bề mặt bị vấy bẩn rất quan trọng”, bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo. Bác sĩ Nga cũng cho biết, hiện TPHCM đang thường xuyên giám sát các chuyến bay đến từ các quốc gia có ghi nhận ca mắc bệnh do virus Marburg.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Marburg gây ra, không để xâm nhập vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bộ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
“Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trong cả nước hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ lực lượng y tế địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg và tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.
Theo WHO, nếu người dân mắc các triệu chứng ban đầu của bệnh Marburg, hoặc đã từng đến các khu vực có lưu hành virus Marburg cần được cách ly và thông báo cho các chuyên gia y tế công cộng để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Trong giai đoạn đầu nhiễm virus Marburg, việc phát hiện virus có thể được thực hiện qua mẫu ngoáy họng và mũi, mẫu dịch não tủy, mẫu nước tiểu, hoặc mẫu máu.
Nguồn báo Sài Gòn giải phóng