Bệnh bại liệt có còn nguy hiểm?
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta có thể đã không còn nhớ về bệnh bại liệt, căn bệnh đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người và từng là một trong những nỗi khiếp sợ trên toàn cầu với hàng ngàn trường hợp tử vong và gấp nhiều lần con số đó để lại những di chứng tàn tật suốt đời.
Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20, bệnh dịch đã xảy ra ở hầu hết các châu lục như vụ dịch tại Na Uy, Thụy Điển (Châu Âu) vào năm 1905 và số bệnh nhân tăng mạnh vào các thập niên 1950-1955. Ở Mỹ riêng năm 1952 có 21.269 trường hợp bại liệt được ghi nhận. Từ những năm 1955-1960 khi vắc xin bại liệt bắt đầu được sử dụng thì tỷ lệ mắc và chết đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở các nước đang và kém phát triển bại liệt vẫn còn là thách thức lớn tới sức khoẻ con người, đặc biệt ở trẻ em.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1988 là năm mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu được đưa ra, trên thế giới vẫn còn khoảng 350.000 bệnh nhân bị mắc bệnh bại liệt hoang dại tại 125 quốc gia. Nhưng đến năm 2013, sau thời gian 25 năm, số ca đã giảm xuống chỉ còn 417 trường hợp. Đến năm 2018, số ca bại liệt hoang dại chỉ còn 33 ca và hầu hết các nước được xác nhận thanh toán bệnh bại liệt hoang dại.
Ở Việt Nam: Những năm trước khi có vắc xin đã xảy ra các dịch lớn vào năm 1957-1959. Tỷ lệ bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân, từ năm 1962 khi Việt Nam chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV) thì tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra. Sau thống nhất đất nước 1975, kiên trì và mở rộng Chương trình tiêm chủng mở rộng trong đó trên 90% trẻ em được uống vắc xin bại liệt mỗi năm. Đến năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên.
Hình ảnh trẻ mắc bệnh bại liệt
Vậy bệnh bại liệt có còn nguy hiểm?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm 2019 cho đến nay trên thế giới vẫn ghi nhận có 66 bệnh nhân nhiễm vi rút bại liệt hoang dại tại 2 nước Pakistan và Afghanistan. Đáng chú ý, số ca bại liệt hoang dại tăng gấp 3.7 lần so với cùng kỳ và gấp 2 lần so với số cả năm 2018. Một phần nguyên nhân do ảnh hưởng của nhiều năm bất ổn về chính trị với tỷ lệ uống OPV rất thấp tại 2 quốc gia này.
Bên cạnh các ca bại liệt hoang dại, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các ca bệnh bại liệt do biến đổi di truyền với trung bình hàng chục ca mỗi năm. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2019 đã có 53 ca tại một vài quốc gia châu Á và châu Phi, trường hợp gần nhất được ghi nhận tại một tỉnh giáp biên tại quốc gia láng giềng Trung Quốc vào tháng 4/2019. Đây là các trường hợp mắc bại liệt do vi rút bại liệt có nguồn gốc từ vắc xin uống, đào thải qua phân ra môi trường bên ngoài và biến đổi kiểu gen và có khả năng gây bệnh trở lại ở những cộng đồng có tỷ lệ uống/tiêm vắc xin bại liệt thấp. Mặc dù tỷ lệ này là rất rất nhỏ (chỉ 3-4 ca/triệu liều) nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh dịch tại cộng đồng.
Hình ảnh các tuyến đường bay trên toàn thế giới
Một điểm nữa cần lưu ý trong bối cảnh ngày nay, khi kinh tế phát triển, sự thuận tiện trong việc giao thương và di chuyển không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới, việc mang theo mầm bệnh tại mỗi điểm đến khác nhau không phải là chuyện hiếm. Năm 2018, chỉ riêng đường hàng không, mỗi ngày trên thế giới có trên 13 triệu lượt người di chuyển qua các địa điểm khác nhau. Riêng tại Việt Nam, cũng trong năm 2018 có đến 15.5 triệu lượt khách quốc tế nhập cảnh. Rõ ràng, nguy cơ xâm nhập các ca bại liệt từ mọi nơi trên thế giới vẫn thực sự rõ ràng nếu không có biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Một nghiên cứu cho thấy, việc loại trừ bệnh bại liệt sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 40-50 tỷ USD, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp. Và những lợi ích nhân đạo sẽ được duy trì cho các thế hệ tương lai: không một đứa trẻ nào lại bị ảnh hưởng bởi căn bệnh khủng khiếp này.
Bệnh bại liệt có thể loại bỏ hoàn toàn?
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây nên. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, vi rút gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng nguồn thực phẩm ăn uống, sau đó lan vào hạch mạc treo rồi đến hệ thần kinh. Triệu chứng liệt do bệnh bại liệt là loại liệt mềm, không đối xứng và thường bị liệt ở chân nhiều hơn ở tay. Nếu bị liệt cơ hô hấp dễ dẫn đến tử vong.
Một điều rất quan trọng là mặc dù vi rút bại liệt có thể tồn tại một thời gian nhất định từ vài tuần đến hàng tháng tại môi trường bên ngoài nhưng chỉ có vật chủ duy nhất là người. Do vậy, khi đảm bảo tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao, vi rút sẽ không có cơ hội lây lan, dần bị cô lập và loại bỏ hoàn toàn. Trên thế giới, vi rút bại liệt type 2, một trong 3 type bại liệt gây bệnh đã được thanh toán trên toàn cầu vào năm 2015. Điều tương tự với 2 type bại liệt còn lại (thanh toán bại liệt type 1 và type 3) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra dự kiến là vào năm 2023.
Trẻ em phải được tiêm chủng
Nhờ thành quả duy trì tỷ lệ uống vắc xin OPV cao trong liên tục nhiều năm nay, Việt Nam đã không còn ghi nhận bất kỳ trường hợp bại liệt nào kể từ ca bệnh cuối cùng tại Phú Yên vào năm 1997. Thành công đó là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên phần nào đó lại mang đến sự chủ quan trong cộng đồng, một số các bậc cha mẹ có khuynh hướng tự nhiên không cần tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ. Điều này sẽ may mắn nếu như dịch bệnh đã hoàn toàn được khống chế hoặc được một cộng đồng lớn với miễn dịch bảo vệ vây quanh. Đứa trẻ tự nhiên đó sẽ may mắn được bảo vệ.
Nhưng khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, miễn dịch cộng đồng không được duy trì, mức độ giao lưu lớn, mầm bệnh có nguy cơ xâm nhập, những trẻ không được bảo vệ sẽ dễ dàng mắc bệnh. Khi ấy, dịch lan rộng kèm theo hàng trăm trẻ tử vong như những gì ta thấy trong vụ dịch sởi năm 2014 sẽ là bài học đắt giá cho những bà mẹ vẫn còn mơ mộng về sống thuận theo tự nhiên và tẩy chay tiêm chủng.
Trẻ em cần phải được bảo vệ
Theo luật các bệnh truyền nhiễm đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, mọi trẻ em đều phải được tiêm chủng phòng bệnh, bởi không chỉ phòng cho bản thân mà còn phòng cho cả cộng đồng, phòng cho những trẻ không thể có cơ hội tiêm chủng do mắc các bệnh tự miễn, không đủ sức khỏe để tiêm vắc xin.
Hiện nay, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tại các điểm tiêm chủng ở xã/ phường trẻ em được tiêm chủng miễn phí vắc xin phòng bệnh bại liệt theo lịch như sau:
- Uống vắc xin bại liệt OPV lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
- Uống vắc xin bại liệt OPV lần 2 khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
- Uống vắc xin bại liệt OPV lần 3 khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
- Tiêm vắc xin bại liệt IPV khi trẻ đủ 5 tháng tuổi.
Trẻ không được sử dụng vắc xin phòng bệnh bại liệt nếu mắc bệnh sẽ để lại đi chứng liệt và tàn tật suốt đời. Các bậc cha mẹ cần ghi nhớ cho trẻ đi uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt và tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt để bảo vệ con mình.
Dự án TCMR