Bao phủ vắc xin Covid-19 giảm F0 nặng, tử vong

Bao phủ vắc xin tối đa một cách nhanh nhất là giải pháp để giảm ca bệnh nặng và tử vong trong diễn biến dịch còn phức tạp tại nhiều địa phương hiện nay.

Các địa phương đã tiêm vắc xin đến đâu?

Các tỉnh miền Tây đang khẩn trương bao phủ vắc xin, bởi dịch bệnh tại khu vực này đang gia tăng. Đến ngày 29.11, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin Covid-19 đủ 2 mũi tại Cần Thơ đã đạt 87,9%, mũi 1 đạt 96,9% (cho người từ 18 tuổi trở lên); tỷ lệ tiêm mũi 1 ở trẻ em 12 - 17 tuổi cũng đã đạt 88,4%.

Đến sáng 30.11, Vĩnh Long đã hoàn thành mũi 1 cho trẻ 12 - 17 tuổi; 59.445 trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm 2 mũi, chiếm 66,48%. Số người trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi là 630.865, chiếm hơn 74% dân số.

Bình Dương đã tiêm 4.249.707 liều vắc xin (trong đó có 1.806.923 liều mũi 2) trong tổng số cần tiêm là 4.715.000 người. Bình Dương cũng đã tiêm được 206.903 liều vắc xin cho trẻ 12 - 17 tuổi. Hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi tại Đồng Nai đạt 90,4%. Đồng Nai đang tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu. Với trẻ 12 - 17 tuổi, hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 81,17%.

Theo TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), về lý thuyết, người đã tiêm vắc xin sẽ có miễn dịch chống lại vi rút, nhưng không phải ai cũng có miễn dịch này, vì không có vắc xin nào cũng đạt hiệu quả sinh miễn dịch 100%.

TS-BS Phạm Quang Thái cho hay với một số loại vắc xin, khoảng 90 - 95% người được tiêm có miễn dịch nhưng cũng có vắc xin, tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 70%. Tùy loại vắc xin Covid-19, tỷ lệ người có miễn dịch phòng nhiễm sau tiêm khoảng 60 đến hơn 90%.

“Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và tử vong ở hầu hết các vắc xin Covid-19 đều đạt trên 90%, thậm chí có vắc xin phòng nhiễm chỉ ở mức 70%, nhưng phòng thể nặng và tử vong lại đạt trên 99%. Ngoài ra, vắc xin giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra tế bào nhớ, do đó dù khá lâu sau khi tiêm, khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập, hệ thống miễn dịch lại được tái kích hoạt nhanh chóng hơn để tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể”, TS Thái cho biết.

Bảo vệ kép sau tiêm vắc xin

Về sự cần thiết tiêm vắc xin Covid-19, TS-BS Phạm Quang Thái lý giải một người khi có miễn dịch với vi rút gây bệnh sẽ bảo vệ họ không mắc bệnh và bảo vệ người khác không mắc một cách gián tiếp vì không tiếp tục lan truyền dịch. Khi một cộng đồng có tỷ lệ rất cao những người miễn nhiễm (do đã mắc bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin hoặc cả hai), nếu có trường hợp mang vi rút xâm nhập sẽ không lây lan dịch, hoặc nếu có hiện tượng lây nhiễm cũng sẽ rất nhanh kết thúc. Do đó, dịch sẽ nhanh chóng được dập tắt. Miễn dịch cộng đồng cao thì sẽ không bùng phát dịch.

Tuy nhiên, TS-BS Phạm Quang Thái lưu ý khi đã bao phủ vắc xin trên diện rộng, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng khá cao (70 - 80% người được tiêm), vẫn có thể có dịch lẻ tẻ, rải rác. Nguyên nhân do vẫn còn 20 - 30% người chưa được tiêm, và bản thân các vắc xin cũng không đạt tỷ lệ bảo vệ tuyệt đối thì vẫn có nguy cơ nhiễm và lây bệnh. Với Covid-19, cũng cần lưu ý thêm, người sau tiêm vắc xin có thể nhiễm vi rút mà không có triệu chứng bệnh đồng thời tải lượng vi rút vẫn cao nên hoàn toàn có thể vẫn lây cho người khác. “Và ngay cả với người đã tiêm đủ liều vắc xin rồi, thì vẫn cần phải tiêm nhắc lại sau khoảng thời gian, vì miễn dịch trong cơ thể giảm dần”, TS-BS Phạm Quang Thái lưu ý.

TS-BS Phạm Quang Thái chia sẻ thêm trên thực tế, không chỉ Covid-19 mà các dịch bệnh khác như: viêm não, ho gà, bạch hầu... đều cần tiêm vắc xin nhắc lại. Đơn cử như bệnh ho gà cũng được khuyến cáo tiêm vắc xin nhắc lại sau mỗi 10 năm tính từ lúc đã tiêm đủ các liều cơ bản và liều nhắc lúc tiền học đường.

“Ngay cả khi vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% cộng đồng thì chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K; tăng cường giám sát các ca mắc mới và chưa thể “mở toang” mà bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch bởi hạn chế lây nhiễm chính là hạn chế phát sinh các biến chủng mới nguy hiểm có khả năng phá vỡ mọi thành quả bảo vệ do vắc xin đem lại”, TS-BS Phạm Quang Thái khuyến cáo.

Tiêm vắc xin cho trẻ em để đến trường an toàn

Bộ Y tế cho biết chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11.2021 trên toàn quốc. Dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với khoảng 18 triệu liều.

Theo thống kê, toàn quốc đã có 34 địa phương triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, với 3,51 triệu mũi tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 2,82 triệu liều (31,1%) và mũi 2 là 684.131 liều (7,5%).

Một số địa phương gồm: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 đạt trên 60% tổng số trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, trong số hơn 3,5 triệu mũi tiêm, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Về 2 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết “Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong liên quan đến phản ứng phản vệ độ 4, không liên quan đến vắc xin Covid-19 và thực hành tiêm chủng”.

Đại diện Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em giúp trẻ tránh mắc bệnh và lan truyền vi rút, đặc biệt là đối với trẻ mắc bệnh nền (béo phì, hen, đái tháo đường…); giúp trẻ đến trường an toàn và tham gia các hoạt động xã hội.

TP.HCM tiếp tục tiêm phủ 2 mũi, chưa tiêm mũi 3

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 30.11, TP.HCM đã tiêm trên 14,6 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, có 7,9 triệu liều mũi 1 và hơn 6,7 triệu liều mũi 2.

Tính trên dân số từ 18 tuổi trở lên theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình thì TP.HCM có hơn 7,2 triệu người. Với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1 đã tiêm hơn 7,2 triệu liều, đạt 100%; mũi 2 đã tiêm 6,1 triệu liều, đạt 84,8%.

Trước đó, TP.HCM có đề xuất Bộ Y tế cho tiêm tăng cường mũi 3 cho đối tượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao và người lớn tuổi trong tháng 11 và 12.2021. Tại cuộc họp báo chiều 29.11, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết Bộ Y tế đã ghi nhận đề xuất này. Theo bác sĩ Mai, hiện nay TP.HCM sẽ tập trung tiêm vắc xin Covid-19 cho những người chưa tiêm mũi 2, trong đó có nhóm trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Hy vọng thời gian tới Bộ Y tế thông qua kế hoạch tiêm mũi 3 thì TP.HCM sẽ triển khai.

VN ngăn chặn biến chủng Omicron

Ngày 30.11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp do biến chủng Omicron bùng phát trên thế giới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, ông John MacArthur, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á, và ông Matthew Moore, Giám đốc Chương trình an ninh y tế toàn cầu của CDC Mỹ tại VN, để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngày 28.11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19, nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; tăng cường giám sát, xét nghiệm, đẩy mạnh tiêm chủng và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong ứng phó với biến chủng Omicron. 

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan