18 quận, huyện ở thành phố Hà Nội ghi nhận ca mắc thủy đậu
Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận, huyện; dẫn đầu là Chương Mỹ 230 ca, tiếp đến là Mê Linh 69 ca, Ba Vì 60 ca, Nam Từ Liêm 56 ca, Mỹ Đức 42 ca...
Ảnh minh họa.
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 21/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 có 4 ca). Đáng lưu ý, số ca mắc cao nhất ở nhóm tuổi tiểu học và mầm non.
Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận, huyện; dẫn đầu là Chương Mỹ 230 ca, tiếp đến là Mê Linh 69 ca, Ba Vì 60 ca, Nam Từ Liêm 56 ca, Mỹ Đức 42 ca...
Riêng tại huyện Chương Mỹ từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 ổ bệnh thủy đậu tại các trường học, gồm Trường Mầm non Phú Nghĩa (6 ca), Trường Mầm non xã Đồng Lạc (29 ca mắc), Trường Mầm non xã Trung Hòa (17 ca mắc), Trường Mầm non xã Tốt Động (24 ca mắc), Trường Tiểu học Văn Võ (12 ca mắc).
Ngay sau khi ghi nhận các ổ dịch thủy đậu, Trung tâm y tế các địa phương phối hợp với y tế các xã và nhà trường đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho các cháu và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella-Zoster gây ra và thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm số người mắc bệnh tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.
Đây là khoảng thời gian cuối Xuân đầu Hè, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, số ca mắc thủy đậu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây cho những người xung quanh.
Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường...
Đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ mắc thủy đậu. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín. Khi trẻ mắc thủy đậu cần giữ gìn vệ sinh tốt, tránh nhiễm trùng vết phỏng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì, để lại sẹo cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ sau này.
Đáng lưu ý, nếu chăm sóc không đúng cách, ngoài việc nhiễm khuẩn từ các thương tổn da, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng về tim mạch, viêm tinh hoàn, viêm phổi và các biến chứng hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não... dẫn tới tử vong.
Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, ăn thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm, để lại sẹo./.
Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)