WHO quan ngại về quy mô và mức độ lây lan của virus đậu mùa khỉ
WHO sẽ triệu tập một cuộc họp trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 18/7 hoặc sớm hơn, nhằm quyết định xem liệu có tuyên bố đợt bùng phát lần này là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay không.
Nhân viên y tế điều trị cho trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Zomea Kaka, Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 6/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận hơn 6.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 58 quốc gia trong đợt bùng phát lần này.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này sẽ triệu tập một cuộc họp trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 18/7 hoặc sớm hơn, nhằm quyết định xem liệu có tuyên bố đợt bùng phát lần này là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay không.
Ông Ghebreyesus cũng bày tỏ quan ngại về quy mô và mức độ lây lan của virus đậu mùa khỉ trên khắp thế giới.
Theo ông, việc thiếu xét nghiệm đồng nghĩa rằng nhiều ca nhiễm có khả năng bị bỏ sót. Hiện 80% số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở châu Âu.
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các quốc gia Trung Phi và Tây Phi. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 5 năm nay, số ca mắc đã gia tăng bên ngoài những quốc gia này.
[WHO ghi nhận hơn 5.300 ca bệnh đậu mùa khỉ trong 6 tháng đầu năm 2022]
Cho đến nay, hầu hết các bệnh nhân là nam giới quan hệ tình dục đồng tính, trẻ tuổi và tại các khu vực thành thị. Những triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt cao, sưng tấy hạch bạch huyết, phát ban giống như bệnh thủy đậu, ớn lạnh và kiệt sức.
Tại cuộc họp vào ngày 27/6 vừa qua, ủy ban khẩn cấp về bệnh đầu mùa khỉ của WHO nhận định bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Cho đến nay, WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - mức độ cảnh báo cao nhất của WHO, với lần gần nhất là đại dịch COVID-19 vào năm 2020./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)