Tình hình dịch COVID-19: Hơn 23,5 triệu ca mắc bệnh
Tính đến 8 giờ sáng 24/8 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 23,57 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 812.100 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Revere, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 24/8 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 23,57 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 812.100 ca tử vong.
Hơn 16 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, hơn 6,69 triệu ca đang được điều trị với khoảng 1% trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Với hơn 5,87 triệu ca mắc và hơn 180.000 ca tử vong, Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu tác động mạnh nhất. Tiếp đến là Brazil với hơn 3,6 triệu ca bệnh và hơn 114.700 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 3 với hơn 3,1 triệu ca mắc và hơn 57.600 ca tử vong.
Đáng chú ý, trong khoảng một tuần trở lại đây, số ca mắc mới mỗi ngày tại Mỹ và Brazil có dấu hiệu giảm dần, từ những mức hơn 50.000 xuống khoảng hơn 30.000 ca/ngày, tuy nhiên tại Ấn Độ số ca mắc mới vẫn dao động ở các mức từ 50.000 đến 60.000 ca.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ hiện là khu vực ghi nhận tình hình nghiêm trọng nhất với hơn 6,93 triệu ca bệnh và hơn 259.200 ca tử vong.
Ba quốc gia chịu tác động mạnh nhất gồm Mỹ, Mexico (556.216 ca mắc và hơn 60.000 ca tử vong) và Canada (hơn 124.800 ca mắc và hơn 9.000 ca tử vong).
Sau Bắc Mỹ là châu Á với hơn 6,29 triệu ca mắc bệnh và hơn 130.200 ca tử vong. Ấn Độ hiện là tâm dịch ở châu Á, tiếp đến là Iran (hơn 358.000 ca mắc và hơn 20.500 ca tử vong), và Saudi Arabia (hơn 307.400 ca mắc và hơn 3.600 ca tử vong).
Tiếp đó là khu vực Nam Mỹ với hơn 5,76 triệu ca mắc và hơn 189.000 ca tử vong. Sau Brazil chịu tác động nặng nề nhất là Peru (hơn 594.300 ca bệnh và hơn 27.600 ca tử vong), tiếp đến là Colombia (Hơn 541.000 ca bệnh và hơn 17.300 ca tử vong.
Một số diễn biến đáng chú ý tại châu Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) thông báo đã cấp phép khẩn cấp cho các bác sỹ sử dụng huyết tương từ bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi như một phương pháp điều trị.
Quân đội Brazil phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Minas Gerais, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
FDA cho biết sản phẩm này có thể điều trị hiệu quả các bệnh nhân mắc COVID-19 và những lợi ích đã thấy cũng như tiềm năng của sản phẩm này lớn hơn những rủi ro tiềm năng.
FDA đã dẫn bằng chứng ban đầu cho thấy huyết tương có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân khi được sử dụng trong ba ngày đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện.
Theo FDA, đây là cách tiếp cận an toàn dựa trên phân tích 20.000 bệnh nhân đã được điều trị. Cho đến nay, 70.000 bệnh nhân đã được điều trị bằng huyết tương.
Huyết tương được cho là có chứa các kháng thể mạnh mẽ có thể giúp chống lại bệnh nhanh hơn và bảo vệ người bệnh tránh được bị tổn thương nghiêm trọng.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định giãn cách xã hội. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 28/8.
Tuyên bố trên trang mạng của Bộ Nội vụ Anh cho biết những người tạo điều kiện hoặc tổ chức những buổi tiệc lớn bất hợp pháp, các sự kiện âm nhạc không được cấp phép, hoặc bất cứ hoạt động tụ họp trái pháp luật nào có quy mô từ 30 người trở lên có thể bị xử phạt 10.000 bảng (tương đương với 13.087 USD).
Chế tài này thiết lập mức độ răn đe mới đối với những hành vi vi phạm khiến xã hội đối mặt với nguy cơ cao nhất. Bên cạnh đó, nhà chức trách Anh có thể tiếp tục đưa ra mức xử phạt 100 bảng (130 USD) đối với những người tham gia các hoạt động tụ họp trái pháp luật, và những người từng bị xử phạt sẽ bị tăng gấp đôi số tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm, tối đa lên tới 3.200 bảng (4.187 USD).
Tại châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi chính phủ các nước châu Phi thúc đẩy mở cửa lại các trường học - vốn đóng cửa gần 6 tháng qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong một tuyên bố chung, hai cơ quan của Liên hợp quốc khẳng định việc đóng cửa các trường học kéo dài chưa từng có để bảo vệ học sinh trước nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 đã gây ra những tác hại nhất định đối với thanh, thiếu niên các nước châu Phi.
WHO và UNICEF đề nghị chính phủ các nước cần nhanh chóng mở cửa trở lại các trường học một cách an toàn và có các biện pháp cụ thể để hạn chế thấp nhất sự lây lan của virus trong môi trường học đường.
Để hạn chế sự bùng phát dịch bệnh trong các trường học, WHO và UNICEF khuyến nghị các biện pháp như rửa tay thường xuyên, khử trùng và làm sạch hàng ngày các bề mặt, công trình cấp nước và quản lý tốt chất thải.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)