Tại sao bệnh bại liệt trỗi dậy ở nhiều quốc gia?
Virus bại liệt tái bùng phát ở Mỹ, Anh, Isarel... do chương trình tiêm chủng bị trì hoãn sau hai năm đại dịch, thái độ e ngại của người dân đối với vaccine.
Bại liệt, căn bệnh chết người từng khiến hàng chục nghìn trẻ em không thể đi lại mỗi năm đang bùng phát ở London, New York, Jerusalem sau nhiều thập kỷ, khiến giới chuyên gia lo ngại.
Căn bệnh này từng khiến các bậc cha mẹ khắp thế giới khiếp sợ trong nửa đầu thế kỷ 20. Virus ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh thường không có triệu chứng, song một số người có biểu hiện sốt và nôn mửa. Khoảng một trên 200 trường hợp nhiễm virus có thể dẫn đến tê liệt không thể hồi phục, tới 10% bệnh nhân tử vong.
Hiện chưa có phương pháp điều trị hiệu quả bệnh bại liệt, song kể từ khi các nhà khoa học cho ra mắt vaccine vào năm 1950, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Trên toàn cầu, virus bại liệt hoang dã gần như đã bị tiêu diệt.
Afghanistan và Pakistan hiện là những quốc gia duy nhất virus vẫn truyền nhiễm cao. Tuy nhiên, năm nay, các ca nhiễm nhập cảnh được phát hiện ở Malawi và Mozambique. Đây cũng là những trường hợp đầu tiên kể từ năm 1990.
Virus bại liệt có hai chủng chính: chủng hoang dã và chủng có nguồn gốc từ vaccine. Dạng thứ hai đã được phát hiện ở London, Anh và New York, Mỹ. Virus có cấu tạo tương tự về mặt di truyền cũng đã được tìm thấy ở Jerusalem, Israel. Tổ chức Sáng kiến Xóa bỏ Bại liệt Toàn cầu (GPEI) cho biết các nhà khoa học đang nỗ lực làm việc để tìm hiểu về mối liên hệ giữa các ca nhiễm.
Trước đây, virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine chưa từng xuất hiện ở các địa điểm nêu trên. Nó vẫn là mối đe dọa (dù rất hiếm) ở những quốc gia khác, gây ra đợt bùng phát hàng năm.
Vaccine bại liệt đường uống đầu tiên do Albert Sabin phát triển vào những năm 1950 sử dụng virus sống, đã giảm độc lực. Trẻ được uống vaccine sẽ đào thải virus ra ngoài theo đường phân trong vòng 6 tuần. Ở các cộng đồng chưa tiêm chủng, lượng virus này có thể tái hoạt động và lây lan, trải qua những thay đổi về di truyền và gây tê liệt cho người nhiễm.
Loại vaccine thứ hai do nhà khoa học Jonas Salk phát triển, chứa virus bại liệt đã chết hoặc bất hoạt, không thể gây tê liệt. Hơn 120 quốc gia sử dụng loại vaccine này, trong đó có Mỹ và Anh. Vaccine được dùng dưới dạng tiêm (chia 4 lần), thường là cho trẻ em từ hai đến 6 tháng tuổi.
Trẻ em tại Kandahar, Afghanistan được uống vaccine bại liệt, ngày 23/5. Ảnh: AFP
Các chuyên gia cho biết Anh và Mỹ không còn sử dụng vaccine từ virus sống. Tuy nhiên, một số quốc gia khác vẫn dùng chúng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Điều này khiến virus lan ra toàn cầu, đặc biệt khi người dân đi du lịch trở lại sau hai năm Covid-19.
Bệnh nhân ghi nhận ở New York đã nhiễm một biến thể của virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine đường uống. Virus có điểm tương đồng về mặt di truyền với các chủng được thu thập trong mẫu nước thải ở London và Jerusalem
Theo Derek Ehrhardt, Giám đốc bộ phận về bệnh bại liệt tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, các đợt bùng phát virus hoang dã và có nguồn gốc vaccine đều tập trung ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng.
Liên Hợp Quốc nhận định thái độ e ngại với vaccine là vấn đề tồn tại từ trước đại dịch. Sau đó, Covid-19 kéo đến làm đình trệ hoạt động của toàn thế giới, khiến các chương trình tiêm chủng thông thường bị trì hoãn.
Năm 2020, Covid-19 đã khiến các chiến dịch của Sáng kiến Xóa sổ Bại liệt Toàn cầu tạm dừng 4 tháng, làm gián đoạn các đợt tiêm chủng thông thường, khiến hơn 80 triệu trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine, bao gồm bại liệt.
Cùng năm, thế giới ghi nhận 1.081 ca bại liệt do virus từ vaccine, gấp ba lần so với 2019. Các trường hợp đã giảm vào năm 2021, khi các nước nối lại chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, đại dịch tái bùng phát, tiếp tục gây áp lực lên hệ thống y tế. Cuối năm 2021, virus bại liệt hoang dã từ Pakistan đã lan sang Malawi. Trong năm 2022, toàn cầu có 177 trường hợp bại liệt, sau những nỗ lực lớn để đưa các chiến dịch tiêm phòng trở lại đúng tiến độ.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thế giới, trong đó có David Heymann, chuyên gia dịch tễ tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, việc phát hiện virus trong chất thải vẫn là lời cảnh tỉnh với cha mẹ, thông điệp quan trọng thúc đẩy người dân tiêm phòng.
Thục Linh - VnExpress