Sức mạnh “kiềng ba chân” trong ngăn ngừa dịch COVID-19 tái bùng phát
Việc làn sóng dịch thứ tư ở châu Âu cho thấy cần sự kết hợp giữa vaccine, thuốc điều trị cùng biện pháp chống dịch của chính quyền và ý thức tự bảo vệ của người dân mới có thể ngăn dịch tái bùng phát.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những gì đang xảy ra ở châu Âu là một "phát súng" cảnh báo đối với phần còn lại của thế giới. Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan nhận định như vậy khi các số liệu cập nhật cho thấy tuần qua châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến sự gia tăng cả về số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19.
Làn sóng dịch thứ tư đang tấn công châu Âu cũng một lần nữa cho thấy cuộc chiến chống COVID-19 sẽ còn lâu dài, những làn sóng dịch mới luôn thường trực xuất hiện, đòi hỏi thế giới phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó bằng những giải pháp toàn diện và đồng bộ.
Thế giới trong 7 ngày qua ghi nhận thêm 3,08 triệu ca mắc mới COVID-19, tăng 3% so với tuần trước đó, trong đó châu Âu chiếm tới 59% với hơn 1,6 triệu ca (tăng 18%).
Số ca mắc mới tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu đang tăng theo chiều hướng “đặc biệt lo ngại” trong tuần thứ năm liên tiếp, đưa khu vực này trở lại là tâm dịch của thế giới. Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây.
Thống kê của WHO chỉ ra số ca mắc COVID-19 của châu Âu (khoảng 78 triệu ca) đang vượt tổng số ca ở các khu vực Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại.
Tỷ lệ lây nhiễm theo ngày ở châu Âu hiện ở mức cao nhất thế giới, với 192 ca nhiễm mới trên 100.000 dân, trong khi hệ thống y tế tại 43/53 nước đang đối mặt nhiều sức ép.
Nga, Đức vừa chứng kiến ngày có số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch, lần lượt hơn 41.000 và 35.000 ca. Italy, Pháp, Ukraine, Romania, Bulgaria, Moldova, Cộng hòa Séc… cũng ghi nhận những con số đáng báo động.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở châu Âu tuần qua cũng tăng 14%, chiếm gần 50% trong tổng số hơn 47.600 ca tử vong trên toàn cầu. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, đến tháng 2/2022, “Lục địa già” có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì đại dịch.
Đánh giá về đợt dịch mới này, ông Mike Ryan cho biết: "Một số nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp hơn mong đợi," xuất phát từ việc một bộ phận người dân chần chừ tiêm vaccine.
Đơn cử như Đức có hơn 16 triệu người trưởng thành không chịu tiêm chủng, bất chấp thực tế về độ an toàn và hiệu quả đã được chứng minh của các loại vaccine.
Nhiều nước nới lỏng các hạn chế, mở cửa trở lại trong khi người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch cá nhân. Thực tế đó, cùng với thời tiết mùa Đông khiến virus dễ lây lan và sự xuất hiện của các biến thể mới, khiến số ca mắc COVID-19 ở nhiều nước tăng nhanh.
“Kịch bản xấu” khi hệ thống y tế bị quá tải, lâm vào khủng hoảng do số bệnh nhân tăng đột biến như mùa Đông năm ngoái đang khiến giới chức châu Âu lo ngại.
Chánh Văn phòng Chính phủ Đức Helge Braun đã phải cảnh báo nguy cơ tồi tệ đối với hệ thống y tế. Điều đó cũng buộc những khu vực khác trên thế giới phải tính tới giải pháp ngăn chặn, bởi ngoài châu Âu, tại những nước như Mỹ, Trung Quốc, Lào… số ca mắc mới trong tuần vẫn rất cao và những ổ dịch mới đang tiếp tục xuất hiện.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng các nước cần hướng tới cách tiếp cận đồng bộ, toàn diện, áp dụng kết hợp nhiều biện pháp để tăng cường sức mạnh nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt dịch mới.
Thúc đẩy tiêm vaccine vẫn là một trong những “mũi giáp công” quan trọng để ngăn chặn những “kịch bản xấu.” Nhiều nước đã tính tới việc bắt buộc tiêm vaccine hoặc áp đặt quy định nghiêm ngặt với người không tiêm phòng.
Tuần qua, một số bang ở Đức đã ban hành quy định chỉ những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm chủng mới được vào hoặc tham gia các sự kiện, cơ sở giải trí, nhà hàng...
Chính phủ Italy xem xét việc bắt buộc tiêm vaccine, với mục tiêu như Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa nhấn mạnh là “đảm bảo rằng không có thêm công dân nào tử vong vì COVID-19 và không còn có những ca bệnh nặng phải chăm sóc đặc biệt.”
Mỹ công bố thời hạn chót là ngày 4/1/2022, yêu cầu bắt buộc người lao động tại các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên cũng như các nhân viên y tế và các nhà thầu liên bang phải tiêm vaccine.
Singapore quy định các công chức nếu không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện, có thể sẽ bị cho nghỉ không lương hoặc sẽ không được gia hạn khi hợp đồng lao động kết thúc.
Tuần qua cũng có thêm nhiều nước triển khai tiêm vaccine cho trẻ em hoặc tiêm mũi tăng cường cho người có nguy cơ cao. Ngày 3/11, Mỹ đã bắt đầu triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi bằng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech.
Indonesia cấp phép sử dụng vaccine của Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Đức quyết định sẽ tiêm mũi tăng cường cho tất cả nhóm tuổi sau 6 tháng kể từ mũi tiêm trước đó.
Ngày 3/11, WHO thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covaxin do Ấn Độ phát triển. Đây là loại vaccine thứ bảy được WHO cấp phép, mở đường cho nhiều loại vaccine được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là các quốc gia nghèo.
Bên cạnh vaccine, thúc đẩy phát triển thuốc điều trị COVID-19 cũng đang là một “chân kiềng” quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả chống dịch.
Tiến sỹ William Fischer, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm mới tại Viện Sức khỏe toàn cầu và các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học North Carolina (Mỹ), nhận định thuốc điều trị COVID-19 sẽ góp phần hỗ trợ cuộc chiến chống dịch ở những nước mà nguồn cung vaccine còn hạn chế, qua đó bổ trợ cho các chiến lược chống dịch hiện tại ở các nước.
Ngày 5/11, hãng Pfizer thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc kháng virus Paxlovid có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân trưởng thành thuộc nhóm có nguy cơ bệnh nặng.
Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer được sử dụng kết hợp với một loại thuốc kháng virus đã biết là ritonavir.
Trước đó một ngày, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn sử dụng thuốc viên molnupiravir, do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển, để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Đây được đánh giá là loại thuốc mang tính bước ngoặt trong điều trị COVID-19 bởi các nghiên cứu cho thấy loại thuốc này có thể làm giảm 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở những người có nguy cơ mắc các biến chứng nặng nhất.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hiện Mỹ đã đặt mua trước 1,7 triệu liệu trình thuốc molnupiravir và dự kiến thêm 3,5 triệu liệu trình vào tháng 1/2023. Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Malaysia cũng cho biết đã đạt thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua loại thuốc này.
Trong khi đó, New Zealand bổ sung thuốc Baricitinib vào danh mục các thuốc điều trị COVID-19. Đây là loại thuốc thứ năm, cùng với remdesivir, tocilizumab, molnupiravir và Ronapreve, được đưa vào danh mục các loại thuốc có thể kê cho những người có các triệu chứng bệnh COVID-19.
Lào cũng đang có kế hoạch đăng ký chính thức 3 loại thảo dược để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả phục hồi đạt khoảng 80-100%.
Bà Maria Van Kerkhove - nhà dịch tễ học hàng đầu về ứng phó COVID-19 của WHO, đánh giá từ nay đến cuối năm 2022, thế giới có thể kiểm soát virus, theo đó giảm đáng kể số ca bệnh nặng và tử vong...
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng "biến hóa khôn lường," đặc biệt là khi lây lan qua những người chưa được tiêm chủng. Hơn nữa, việc các quốc gia sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nới lỏng giãn cách, bỏ quy định đeo khẩu trang trong khi người dân có tâm lý chủ quan, lơ là… có thể khiến những làn sóng dịch bệnh mới do biến thể gây ra tiếp tục hoành hành.
Bởi vậy, WHO cho rằng “lời cảnh báo” từ châu Âu khiến cả thế giới phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các đợt dịch mới, kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để tạo “thế chân kiềng” vững chắc nhằm tăng hiệu quả phòng chống dịch.
Trong thông điệp nhân công bố quyết định mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của Campuchia bắt đầu từ tháng 11/2021, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đề cập tới những yếu tố có thể giúp đất nước thích ứng với đại dịch.
Đó là tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong vì đại dịch; khả năng chống dịch được tăng cường với thuốc điều trị COVID-19 sẵn sàng; kinh nghiệm của chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh lây lan và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quy mô lớn; và cuối cùng là người dân đủ nhận thức về dịch bệnh để có thể tự bảo vệ bản thân cũng như học cách sống chung với COVID-19.
Có thể nói, việc kết hợp tổng thể các yếu tố theo mô hình “kiềng ba chân” như vậy sẽ tạo được sức mạnh vững chắc để ứng phó với những đợt dịch bùng phát tương tự như làn sóng COVID-19 mà châu Âu đang đối mặt./.
Phan An (TTXVN/Vietnam+)