Rác thải y tế dịch COVID-19 cho thấy cần cải thiện hệ thống quản lý chất thải

Hàng chục nghìn tấn chất thải y tế dư thừa từ ứng phó với đại dịch COVID-19 đã gây ra áp lực to lớn cho các hệ thống quản lý chất thải y tế trên toàn thế giới, đe dọa sức khỏe con người, môi trường và đặt ra nhu cầu cải thiện các phương thức quản lý chất thải, theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

WHO dựa trên phân tích và khuyến nghị về khoảng 87.000 tấn bảo hộ cá nhân (PPE) đã được mua sắm từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 11 năm 2021 và đã chuyển đến hỗ trợ nhu cầu ứng phó dịch COVID-19 của các quốc gia thông qua một sáng kiến ​​khẩn cấp chung của Liên hợp quốc. WHO dự báo rằng hầu hết các bảo hộ cá nhân này sẽ trở thành chất thải.

WHO lưu ý rằng "Đây mới là chỉ điểm ban đầu về sự nghiêm trọng của vấn đề chất thải từ dịch COVID-19. Phân tích này chưa tính đến các mặt hàng khác mua ngoài dự án trên để đối phó với dịch COVID-19 ​​hoặc chất thải do cộng đồng thải ra như khẩu trang y tế dùng một lần. Họ chỉ ra rằng hơn 140 triệu bộ sinh phẩm xét nghiệm, có khả năng tạo ra 2.600 tấn chất thải không lây nhiễm (chủ yếu là nhựa) và 731.000 lít chất thải hóa học (tương đương một phần ba bể bơi cỡ Olympic) đã được phân phối, trong khi đó hơn 8 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, tạo ra 143 tấn chất thải bổ sung dưới dạng ống tiêm, kim tiêm và hộp an toàn."

Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, đã nói: “Việc cung cấp cho nhân viên y tế PPE phù hợp là vô cùng quan trọng, nhưng đảm bảo rằng nó có thể được sử dụng một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng quan trọng.”

Điều này có nghĩa là phải có hệ thống quản lý hiệu quả, bao gồm hướng dẫn cho nhân viên y tế về những việc cần làm với PPE và các sản phẩm y tế sau khi chúng đã được sử dụng, WHO cho biết.

“Khoảng 30% cơ sở y tế (60% ở các nước kém phát triển) không được trang bị đầy đủ để xử lý lượng chất thải hiện có, chưa nói đến lượng rác thải bổ sung từ dịch COVID-19. Điều này có nguy cơ khiến nhân viên y tế bị thương do kim tiêm, bỏng và nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến các cộng đồng sống gần các khu tập trung chôn lấp rác quản lý kém và không khí bị ô nhiễm do đốt chất thải, chất lượng nước kém hoặc sâu bọ mang mầm bệnh từ các khu xử lý chất thải”, WHO cho biết.

Báo cáo đưa ra một loạt các khuyến nghị để tích hợp các thực hành tốt, an toàn và bền vững hơn với môi trường trong ứng phó dịch COVID-19 hiện tại và các nỗ lực chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai, đồng thời nêu bật các câu chuyện từ các quốc gia và tổ chức đã áp dụng vào thực tế trên tinh thần “Xây dựng lại tốt hơn".

Các khuyến nghị bao gồm sử dụng bao bì đóng gói và vận chuyển thân thiện với môi trường, PPE an toàn và có thể tái sử dụng (ví dụ: găng tay và khẩu trang y tế), vật liệu có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học; đầu tư công nghệ xử lý chất thải không đốt như lò hấp; Logistics ngược nhằm hỗ trợ xử lý tập trung và đầu tư vào lĩnh vực tái chế để đảm bảo các vật liệu, như nhựa, có thể có tuổi thọ thứ hai.

Nguồn: Medical laboratory observer (MLO) ngày 01/02/2022

Link: https://www.mlo-online.com/management/article/21255192/covid19-healthcare-waste-exposes-need-to-improve-waste-management-systems

Thanh Huyền  - Khoa HIV/AIDS

 


Các bài viết liên quan