Phim về dự án Wolbachia tại Nha Trang

Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng. Trong tự nhiên có đến 60% các loài côn trùng có mang vi khuẩn Wolbachia như bướm, chuồn chuồn, ruồi dấm và một số loài muỗi sống gần người. Tuy nhiên vi khuẩn này không tồn tại trong muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti), véc-tơ chính truyền bệnh SXH Dengue.

Trong rất nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm cách sử dụng Wolbachia trong việc kiểm soát bệnh SXH.

Việt Nam tham gia Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết toàn cầu từ năm 2006 và là nước thứ 2 sau Úc thử nghiệm thành công việc thay thế và duy trì quần thể muỗi tự nhiên bằng muỗi mang Wolbachia trong một khu vực thực địa hẹp. Trong các năm 2013 và 2014, Dự án đã triển khai thí điểm thả muỗi vằn mang Wolbachia ở thực địa đầu tiên là đảo Trí Nguyên (với khoảng 3.000 dân) thuộc phường Vĩnh Nguyên, Tp. Nha Trang. Trong các tháng 3-6/2018, Dự án đã tiếp tục triển khai thí điểm thả muỗi mang Wolbachia ở xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Công tác giám sát quần thể muỗi và tình hình bệnh SXH trên địa bàn đã cho thấy những kết quả bước đầu rất khả quan.

Hiện nay Chương trình nghiên cứu ứng dụng phương pháp Wolbachia (để phòng chống SXH Dengue, Zika và một số bệnh khác do muỗi truyền) đang được triển khai mở rộng ở 12 nước, bao gồm Úc, Việt Nam, Indonesia, Brazil, Colombia, Mexico, Ấn độ và một số quốc gia khác.

Cảm ơn TS. Nguyen B Nguyen, điều phối viên thực địa của Dự án tại Nha Trang đã chia sẻ

Chi tiết về Dự án Wolbachia tại link sau: http://www.eliminatedengue.com/viet-nam/du-an


Các bài viết liên quan