Nghiên cứu về kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19
Nhiều nước đã kéo dài thời gian khoảng cách giữa hai mũi tiêm so với khuyến nghị của giới chuyên môn vì nhiều lý do, phần lớn là do thiếu vaccine, những hạn chế về công tác logistics.
(Ảnh: AFP/TTXVN)
Châu Âu là một trong những khu vực có chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất trên thế giới với tỷ lệ người được tiêm chủng khá cao mặc dù không đồng đều.
Các nhà khoa học thuộc Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London và Cơ quan Y tế Công vùng England mới đây đã phối hợp thực hiện nghiên cứu tìm hiểu về hiệu quả của các chương trình tiêm chủng vaccine tại các nước có thu nhập thấp và trung bình của châu lục này, lấy khoảng cách thời gian tiêm chủng giữa 2 mũi vaccine làm trọng tâm nghiên cứu để xác định yếu tố này có thể giảm thiểu tỷ lệ tử vong do COVID-19 như thế nào.
Các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang lưu hành trên thị trường thường là loại tiêm 2 mũi và thời gian giữa hai mũi tiêm dao động trong khoảng từ 3 đến 4 tuần mặc dù yếu tố này có thể điều chỉnh phụ thuộc các chương trình tiêm chủng của từng nước.
Trên thực tế, nhiều nước đã kéo dài thời gian khoảng cách giữa hai mũi tiêm so với khuyến nghị của giới chuyên môn vì nhiều lý do, phần lớn là do thiếu vaccine, những hạn chế về công tác logistics hay các vấn đề về hành chính. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể so sánh hiệu quả bảo vệ khác biệt của từng chương trình tiêm chủng.
Để phục vụ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng mô hình truyền nhiễm có tính hệ thống kết hợp với số liệu thống kê về các trường hợp tử vong do COVID-19 tại 13 nước có thu nhập thấp và trung bình tại châu Âu gồm Albania, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Gruzia, Moldova, Serbia, Bắc Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Một loại vaccine tương tự vaccine của hãng AstraZeneca đã được sử dụng trong mô hình nghiên cứu này. Nghiên cứu cũng được hỗ trợ bởi các thông tin phân tích liên quan đến tính hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID-19 khác.
Các nhà khoa học lần lượt nghiên cứu hiệu quả của vaccine của từng nhóm người có khoảng thời gian tiêm chủng giữa 2 mũi là 4 tuần, 8 tuần, 12 tuần, 16 tuần và 20 tuần, có xét yếu tố độ tuổi tiêm chủng.
Sau cùng, mô hình nghiên cứu này cũng tính đến sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại, cùng với các phân tích về mức độ phản ứng tích thích hợp. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá song song lợi ích và rủi ro để xác định nguy cơ đánh đổi từ phản ứng phụ đối với lợi ích sức khỏe sau tiêm chủng.
Nghiên cứu này khẳng định chiến lược tiêm chủng tối ưu trên thực tế là những chiến lược ưu tiên tiêm chủng cho người lớn trên 60 tuổi hoặc những người từ 20-59 tuổi, đã được triển khai thực hiện tại 12 trong số 13 quốc gia trong nghiên cứu.
Quan trọng là chiến lược này dẫn đến việc các nước kéo dài thời gian tiêm chủng giữa 2 mũi trên 6 tháng, trong khi khoảng cách tiêm chủng giữa hai mũi trong 4 tuần có thể làm gia tăng số ca tử vong do COVID-19 tăng lên 10,2%, bởi việc giãn cách thời gian tiêm mũi thứ 2 sẽ giúp thêm nhiều người được tiếp cận mũi tiêm đầu tiên.
So với rủi ro có thể phát sinh, tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích cao nhất cho sức khỏe con người dù thực hiện bất cứ chiến lược tiêm chủng nào, kể từ người có khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 8 đến 12 tuần.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể mở rộng mô hình nghiên cứu này đến năm 2021 do thiếu các dữ liệu. Nhưng kết quả trên cho thấy rõ hiệu quả đáng kể khi áp dụng chiến lược kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định cần tránh tình trạng kéo dài quá lâu giữa 2 mũi tiêm.
Vì các quốc gia được đưa vào nghiên cứu này có chung cấu trúc nhân khẩu học, độ tuổi đa dạng, mô hình quan hệ và lịch sử bùng phát dịch bệnh, các kết luận của nghiên cứu này có thể có giá trị tham khảo trong việc đưa ra các quyết sách liên quan đến tiêm chủng tại các nước có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới./.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)