Làn sóng đại dịch COVID-19 mới đang lan nhanh tại châu Á
Các nhà chức trách nhiều quốc gia châu Á cảnh báo người dân cần thận trọng để ngăn dịch bệnh lây lan và tránh để hệ thống y tế bị quá tải.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 13/7/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Một làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh trên khắp châu Á, khiến nhà chức trách nhiều quốc gia cảnh báo người dân cần thận trọng để ngăn dịch bệnh lây lan và tránh để hệ thống y tế bị quá tải.
Các ca nhiễm mới, chủ yếu là biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, đã đặt ra thách thức khó khăn hơn, buộc nhà chức trách vừa phải chật vật giải quyết hậu quả kinh tế của những đợt dịch trước, vừa phải tránh gia hạn hay tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Trong ngày 13/7, Nhật Bản đã ghi nhận gần 95.000 ca mắc COVID-19 mới, tăng gấp 2 lần so với tuần trước.
Phát biểu mở màn cuộc họp của Ủy ban phụ trách ứng phó với dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Shigeyuki Goto nhấn mạnh số ca nhiễm mới đang tăng ở tất cả các tỉnh thành và virus dường như đang lây lan nhanh chóng. Thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike nêu rõ trong ngày 14/7, chính quyền sẽ triệu tập cuộc họp của nhóm đặc trách chống COVID-19 để quyết định các biện pháp cần áp dụng trong mùa Hè này, xem xét xu hướng dịch bệnh trên cả nước và ý kiến của các chuyên gia.
Tại Hàn Quốc, tính đến ngày 13/7, số ca nhiễm mới hằng ngày đã tăng gấp 3 trong 1 tuần lên hơn 39.000 ca.
Chính phủ và các chuyên gia nhận định số ca nhiễm mới theo ngày của Hàn Quốc sẽ lên tới 200.000 ca vào giữa tháng Tám và cuối tháng Chín, do đó nước này đã quyết định mở rộng việc tiêm mũi tăng cường nhưng không có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca nhiễm tại Thái Lan có xu hướng giảm xuống, số ca nhiễm mới tại Indonesia lại tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3. Trong ngày 13/7, Indonesia đã ghi nhận 3.822 ca nhiễm mới, tăng gần 7 lần so với 551 ca nhiễm mới cách đây 1 tháng. Tỷ lệ tử vong tăng không đáng kể.
Theo người phát ngôn của lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia Wiku Adisasmito, số liệu này cho thấy xu hướng lây nhiễm đang tăng nhanh. Tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm cũng tăng lên 5,12%, cao hơn so với ngưỡng an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra là 5%.
Quan chức này đã hối thúc tất cả người dân Indonesia tuân thủ các biện pháp phòng dịch tránh để virus lây lan.
Tại Philippines, mắc dù số ca nhiễm mới và nhập viện vẫn ở mức thấp, song chính phủ cảnh báo số ca có thể tăng ít nhất 20 lần vào cuối tháng này.
Giới chức Philippines kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường khi các dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy tính đến ngày 12/7, chỉ có 25% người trưởng thành đáp ứng đủ các tiêu chí đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất.
Tại Ấn Độ, các số liệu của Bộ Y tế ngày 14/7 cho thấy trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 20.139 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 43.689.989 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 38 ca lên 525.557 ca. Tỷ lệ dương tính hằng ngày đã tăng lên 5,1%, trong khi tỷ lệ dương tính hằng tuần đã tăng lên 4,37%.
Trước đó, tối 13/7, Chính phủ Ấn Độ thông báo trong 75 ngày tới, tất cả những người trưởng thành sẽ được tiêm miễn phí mũi tăng cường tại các trung tâm của chính phủ. Chiến dịch này sẽ bắt đầu vào ngày 15/7.
Các quan chức y tế nhấn mạnh động thái này nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 trong dân số sau khi phát hiện thêm nhiều biến thể mới.
Theo thống kê, cho tới nay, chưa tới 1% trong nhóm có độ tuổi từ 18-59 tại Ấn Độ đã tiêm mũi tăng cường./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)