EU đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong không khí
Người đứng đầu ECDC nêu rõ hiện chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây lan cụ thể trong không khí, thay vì từ các giọt bắn, song thừa nhận cả hai nguyên nhân đều có thể dẫn đến lây lan virus.
Người dân Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 15/7, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) thông báo đang tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong không khí từ các hệ thống thông gió và môi trường công sở.
Trong khi virus SARS-CoV-2 được cho là lây lan chủ yếu qua giọt bắn, ECDC từ lâu đã cảnh nguy cơ lây lan trong không khí.
Điều này có thể gây thêm rủi ro tại các khu vực có không gian kín, đặc biệt là những nơi có hệ thống lưu thông khí kém. Nguy cơ này sẽ càng tăng lên trong mùa Đông khi người dân dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn.
Người đứng đầu ECDC Andrea Ammon nêu rõ hiện chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây lan cụ thể trong không khí, thay vì từ các giọt bắn, song thừa nhận cả hai nguyên nhân đều có thể dẫn đến lây lan virus.
Cơ quan này đang đánh giá nguy cơ tại các địa điểm công sở và trong các hệ thống thông gió, sau khi một số ổ dịch bùng phát tại các nhà máy trên khắp châu Âu, trong đó một cơ sở giết mổ gia súc tại Đức là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vào tháng Sáu vừa qua.
Thông báo mới nhất cho thấy cam kết của ECDC trong việc ứng phó với nguy cơ lây nhiễm mới trong không khí.
Nhiều hướng dẫn hiện nay về giãn cách xã hội và vệ sinh trong đại dịch tại các nước dựa trên việc ngăn ngừa tiếp xúc với giọt bắn từ người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt xì hay nói chuyện. Việc ngăn ngừa lây nhiễm qua không khí sẽ đòi hỏi một chiến lược phòng ngừa mới.
Bà Ammon nhấn mạnh ECDC vẫn cho rằng giọt bắn là con đường lây nhiễm phổ biến nhất. Theo bà, tại giai đoạn này, ECDC vẫn chưa cần cập nhật hướng dẫn, tái khẳng định điều quan trọng nhất là người dân cần tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Tuần trước, gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan.
WHO sau đó thừa nhận rằng “có bằng chứng mới xuất hiện” về việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí.
Giới chuyên gia: Tấm chắn che mặt không phải là biện pháp tối ưu
Bác sỹ trưởng vùng Grisons của Thụy Sĩ Marina Jamnicki vừa cảnh báo các nhà hàng không nên coi tấm chắn nhựa chống giọt bắn là biện pháp tối ưu để bảo vệ nhân viên trước nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang tại một nhà hàng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bác sỹ Jamnicki cho rằng các tấm chắn giọt bắn chỉ tạo nên "cảm giác an toàn giả tạo," trong khi đeo khẩu trang là giải pháp tối ưu hơn đối với các nhân viên nhà hàng không thể giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m với người khác.
Theo bà, kết quả phân tích đường lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 cho thấy việc sử dụng tấm chắn giọt bắn tại các nhà hàng không đủ tác dụng bảo vệ và người mang tấm chắn vẫn bị nhiễm bệnh.
Viện Y tế công cộng Robert Koch của Đức cũng cho rằng khẩu trang có thể bảo vệ người dùng tốt hơn vì chúng "làm giảm tốc độ phát tán giọt bắn," trong khi các tấm chắn nhựa "chỉ giữ được các giọt bắn đọng lại trên tấm chắn."
Văn phòng y tế bang Bavaria của Đức khuyến cáo tấm chắn giọt bắn chỉ nên được sử dụng để "tăng thêm tác dụng bảo vệ cho việc đeo khẩu trang che mũi và miệng."
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ, số người đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đang tăng lên.
Một cuộc khảo sát của Axios/Ipsos mới được công bố cho thấy tỷ lệ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài của người Mỹ đã tăng từ 53% trong hai tuần trước lên 62% hiện nay.
Các thành viên đảng Cộng hòa ghi nhận mức tăng cao nhất, với tỷ lệ đeo khẩu trang mọi lúc khi đi ra ngoài tăng từ 35% vào cuối tháng 6 lên 45% vào thời điểm hiện tại. Tỷ lệ này cũng tăng từ 71% lên 78% với các chính khách của đảng Dân chủ, và tăng từ 52% lên 58% đối với các cử tri độc lập.
Theo kết quả khảo sát, quan điểm về việc sử dụng khẩu trang vẫn có sự khác biệt tại Mỹ theo sự phân chia đảng phái. Trong khi 95% thành viên của đảng Dân chủ đeo khẩu trang hầu hết thời gian hoặc luôn đeo khi ở ngoài trời, tỷ lệ này chỉ đạt 74% đối với thành viên đảng Cộng hòa. Chỉ có 32% số người được hỏi nói rằng họ thỉnh thoảng đeo khẩu trang, đồng thời cho biết không thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh mà không đeo khẩu trang.
Tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng do các bằng chứng thực tế cho thấy đeo khẩu trang có thể giúp kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19./.
Đặng Ánh-Đại Thắng-Hà Anh (TTXVN/Vietnam+)