Dịch sởi ở Nepal: Gần 700 ca bệnh được ghi nhận

Tổ chức y tế thế giới mới đây đã ghi nhận báo cáo về vụ dịch sởi ở Nepal.

Biểu đồ 1: Số ca bệnh sởi ghi nhận tại Nepal từ 24/11/2022 đến 10/3/2023 (n=690) 

Từ 24/11/2022 đến 10/3/2023, tổng số 690 ca bệnh sởi bao gồm 1 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc 0,14%) đã được ghi nhận tại 7 quận ở miền Tây Nepal (Banke – 327 ca; Surkhet – 62 ca; Bardiya – 49 ca; Kailali – 39 ca; Kanchanpur – 27 ca; Bajura – 13 ca, và Dang – 12 ca), và 3 quận ở miền Đông (Mahottari – 103 ca; Sunsari – 34 ca; và Morang – 24 ca). 

Dịch khởi nguồn từ miền Tây tại Nepalgunj SMC, quận Banke, tỉnh Lumbini, sau khi một chùm ca bệnh sốt và phát ban được báo csao ngày 29/12/2022. Phòng thí nghiệm y tế công cộng quốc gia (NPHL) đã có kết quả xét nghiệm khẳng định căn nguyên là vi rút sởi ngày 02/01/2023. Theo kết quả xét nghiệm và điều tra ca bệnh và điều tra ca bệnh ở Nepalgunj SMC và các đô thị lân cận, ca bệnh sởi đầu tiên được xác định hồi cứu từ Nepalgunj SMC với triệu chứng khởi phát vào ngày 24/11/2022.

Biểu đồ 2: Phân bố ca bệnh theo tuổi và tiền sử tiêm vắc xin phòng sởi tại Nepal 24/11/2022 đến 10/3/2023 

Hầu hết ca bệnh (n=327; 47%) được ghi nhận tại quận Banke, tỉnh Lumbini, nơi có đường biên giới với Ấn Độ. Thêm vào đó, hoạt động tiêm chủng định kỳ không được hiệu quả do thiếu sự tham gia của cộng đồng, thiếu các điểm tiêm chủng, và ý thức về việc tiêm phòng không cao. Do vậy, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm phòng khá cao.

Đa phần các ca bệnh (n=591; 86%) là trẻ dưới 15 tuổi. Tuy vậy, có 9 ca bệnh được ghi nhận ở nhóm trên 45 tuổi, ca bệnh lớn tuổi nhất là 73 tuổi.

Đợt bùng phát hiện nay xảy ra trong cộng đồng dân cư chưa đủ miễn dịch chủ động, một phần là do sự gián đoạn của các dịch vụ tiêm chủng định kỳ trong đại dịch COVID-19, cũng như chất lượng của các hoạt động tiêm chủng bổ sung sởi-rubella (MR) trên toàn quốc được tiến hành vào năm 2020. Hơn một nửa số trường hợp (58%; n=400) chưa được tiêm phòng, trong số này 68% (n=272) là trẻ dưới 4 tuổi. Chỉ có 31% trường hợp ở nhóm tuổi 1-4 tuổi và 28% ở nhóm 5-9 tuổi đã nhận được hai liều MR trở lên. Theo ước tính, tỷ lệ bao phủ vắc xin chứa sởi liều đầu tiên (MCV1) và liều thứ hai (MCV2) được báo cáo lần lượt là 90% và 87% trên toàn quốc vào năm 2021.

Bộ Y tế (MoH) với sự hỗ trợ của WHO, các đối tác và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã triển khai các biện pháp ứng phó với dịch.

Lược dịch theo https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2023-DON446)

Cẩm Hà - Khoa Kiểm soát BTN

 


Các bài viết liên quan