Dịch COVID-19: Châu Âu hạ nhiệt, châu Á diễn biến đáng lo ngại
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 24/6 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 9.354.860 ca, trong đó có 479.816 người tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, đặc biệt là tại Iran và Ấn Độ - những nơi số ca mắc mới và tử vong đang tăng mạnh mỗi ngày. Trong khi đó, số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latinh cũng đã vượt con số 100.000 trường hợp tính đến hết ngày 23/6.
Trung Quốc bật đèn xanh cho việc thử nghiệm vắcxin COVID-19 mới ở người
Theo THX, trong một tuyên bố, Viện Vi sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết giới chức Trung Quốc đã phê duyệt một loại vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng mới để thử nghiệm cho người.
Đây là loại vắcxin phòng ngừa COVID-19 thứ ba được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển để đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Viện Vi sinh và cũng là nhà phát triển chính của loại vắcxin này cho biết vắcxin protein tái tổ hợp đã được cấp giấy phép nghiên cứu lâm sàng từ Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia vào ngày 19/6.
Các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại các bệnh viện ở Trùng Khánh và Bắc Kinh để xác định xem vắcxin này có an toàn cho việc sử dụng trên người hay không.
Sáng 24/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo trong ngày 23/6, nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 9 ca lây nhiễm trong nước và 3 ca "nhập khẩu".
Trong số 9 ca nhiễm trong nước, có 7 ca được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh và 2 ca ở tỉnh Hà Bắc. Trong ngày 23/6, Trung Quốc đại lục không có ca tử vong nào do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Như vậy, tính đến hết ngày 23/6, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.430 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Cũng trong ngày 23/6, một phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 di động đã được đưa vào sử dụng tại một trung thâm thể thao ở thủ đô Bắc Kinh. Phòng thí nghiệm có tên "Mắt lửa" do công ty công nghệ sinh học BGI Genomics cung cấp, có khả năng tiến hành 30.000 xét nghiệm acid nucleic/ngày.
Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Kinh cũng như trên cả nước để tránh kịch bản xấu nhất xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 2 xảy ra ở nước này sau sự xuất hiện trở lại của nhiều ca nhiễm mới tại thủ đô Bắc Kinh.
Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 24/6 cho biết tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tăng thêm 51, lên thành 12.535 ca.
Hàn Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong nào, trong khi đã có thêm 22 bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên 10.930 ca.
KCDC ngày 22/6 cho biết khu vực đô thị (Seoul và vùng phụ cận) đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo đó cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống dịch COVID-19 kéo dài.
Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng lệnh "giãn cách xã hội" vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này xuất hiện các cụm lây nhiễm lẻ tẻ.
Theo số liệu thống kê mới nhất, khu vực đô thị Seoul chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong hai tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Đây cũng là lý do khiến các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo có thể xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, hiện đang thực hiện ở khu vực Seoul, trên quy mô toàn quốc trong bối cảnh các ca lây nhiễm mới trong cộng động tiếp tục tăng.
Tại Australia, chính quyền bang Victoria cùng ngày 24/6 thông báo một cụ ông khoảng 80 tuổi đã tử vong trong đêm do mắc COVID-19.
Đây là ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại Australia trong hơn 1 tháng qua, trong bối cảnh bang Victoria đông dân thứ hai ở nước này ghi nhận số ca mắc tăng 2 con số trong 8 ngày liên tiếp.
Phát biểu với báo giới tại thành phố Melbourne, Giám đốc Y tế bang Victoria Brett Sutton cho biết bang này ghi nhận thêm 20 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại bang lên gần 1.900 ca.
Trong số các ca mắc tại bang này, 241 ca đến nay được xác nhận lây nhiễm trong cộng đồng, tăng 8 ca so với ngày 23/6. Số ca mắc COVID-19 ở bang Victoria có chiều hướng đi lên làm dấy lên lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai tại đây.
Đặc biệt, số ca mắc tại một số vùng ngoại ô của thành phố Melbourne tăng mạnh buộc nhà chức trách nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh.
Trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng, chính quyền bang Victoria cuối tuần qua đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng và tái áp đặt một số biện pháp hạn chế người dân tụ tập nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Victoria, nhà chức trách bang New South Wales lân cận tuyên bố không cấm người dân qua lại bang Victoria, song khuyến cáo hạn chế đến bang phía Nam này.
Số ca tử vong tại Mỹ Latinh vượt con số 100.000 trường hợp
Mỹ Latinh hiện là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm chóng mặt trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico... Brazil là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Marica, bang Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Brazil trong 24 giờ qua chứng kiến một trong những ngày đại dịch bùng phát dữ dội nhất, khi các ca mắc COVID-19 mới và tử vong đều tăng vọt. Hiện số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và ca tử vong tại quốc gia Nam Mỹ này lần lượt là 1.151.479 và 52.771 trường hợp.
Dù dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhưng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn khẳng định phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra là quá “phóng đại,” đồng thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội.
Ông nêu rõ nhiệm vụ cấp thiết là nối lại các hoạt động thương mại, và tiến trình này cần phải được tăng tốc.
Bộ Y tế Mexico cũng thông báo số ca mắc COVID-19 mới trong ngày 23/6 đã tăng kỷ lục với 6.288 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh lên 191.410 người, trong đó có 23.377 ca tử vong, và 59.106 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
Mặc dù chưa kiểm soát được dịch, từ cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Mexico đã dỡ bỏ giãn cách xã hội và từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, từ ngày 1/6 đến nay, số ca mắc bệnh và tử vong tại Mexico đã tăng gấp 2 lần. Trong 23 ngày qua, trung bình mỗi ngày Mexico ghi nhận trên 4.000 ca mắc mới và hơn 500 ca tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh (2.424.168 ca) và số trường hợp tử vong (123.473 trường hợp).
Trong diễn biến mới nhất, chính quyền bang Louisiana thông báo bang này sẽ không bắt đầu giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế như kế hoạch ban đầu. Theo đó, giai đoạn 2 hiện tại sẽ kéo dài thêm 28 ngày để làm chậm đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt"
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt" tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Dù vậy, nhiều nước bắt đầu bước vào đợt dịch thứ 2 khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và tử vong tăng trở lại.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 6/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại Đức, bang Nordrhein-Westfalen ngày 23/6 đã áp đặt lại lệnh phong tỏa khu vực Guetersloh cho đến ngày 30/6, sau khi phát hiện ổ dịch COVID-19 tại một nhà máy chế biến thịt tại đây. Đây là khu vực đầu tiên ở Đức phải áp đặt lại lệnh phong tỏa sau khi nhà chức trách bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 4.
Tại Bồ Đào Nha, chính quyền thông báo một số biện pháp hạn chế hoạt động để phòng chống COVID-19 sẽ được tái áp đặt tại thủ đô Lisbon từ ngày 23/6. Các biện pháp này bao gồm hạn chế tụ tập quá 10 người, yêu cầu đóng cửa các cửa hàng và quán cà phê sau 20h.
Theo số liệu được Bộ Y tế Ukraine công bố, trong 24 giờ qua đã có thêm 23 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch này tại Ukraine lên con số 1.035. Ngoài ra, đã có 314 bệnh nhân được điều trị hồi phục, nâng tổng số lên 16.956 người.
Bulgaria cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19 do số lượng các ca nhiễm có xu hướng lan rộng. Theo đó, kể từ ngày 23/6, các sự kiện trong nhà chỉ được phép tổ chức với công suất chỉ tới 50% sức chứa hội trường và phải đeo khẩu trang hoặc các thiết bị bảo vệ khác. Điều này áp dụng cho các câu lạc bộ đêm, rạp chiếu phim, nhà hát, các cuộc thi thể thao.
Trong cửa hàng và trung tâm mua sắm nhân viên phải đeo khẩu trang, phải đảm bảo giãn cách xã hội 1,5 mét và yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang.
Bulgaria sẽ tăng cường kiểm tra đối với việc tuân thủ tất cả các biện pháp chống dịch, liên quan đến việc đeo khẩu trang bắt buộc trong giao thông công cộng, các cơ sở y tế và hiệu thuốc.
Ở chiều hướng ngược lại, Chính phủ Phần Lan quyết định từ ngày 13/7 sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại cũng như yêu cầu cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào nước này đối với du khách từ một số quốc gia châu Âu như Italy và Đức, nếu tỷ lệ lây nhiễm vẫn duy trì ở mức như hiện tại.
Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Maria Ohisalo cho biết chính phủ nước này sẽ cho phép du khách từ các nước châu Âu duy trì tỷ lệ lây nhiễm tối đa 8 ca trên 100.000 cư dân trong vòng 2 tuần được nhập cảnh. Lệnh hạn chế đi lại và quy tắc cách ly vẫn sẽ được duy trì đối với du khách tới từ quốc gia láng giềng là Thụy Điển.
Chính phủ Anh ngày 23/6 đã công bố kế hoạch trị giá 105 triệu bảng Anh (tương đương131 triệu USD) duy trì chương trình hỗ trợ hàng nghìn người vô gia cư đang được cho lưu trú tạm thời tại các khách sạn trong bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19
Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Anh, Chính phủ Anh đã phát động chương trình "Everyone In" đảm bảo cho mọi người dân nước này đều có nơi ăn, chốn ở tránh dịch. Theo đó, khoảng 15.000 người vô gia cư đã được bố trí lưu trú tạm thời tại các khách sạn từ tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay Anh bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhiều khách sạn nơi người vô gia cư đang lưu trú hoạt động trở lại, đồng nghĩa nhiều người có nguy cơ trở lại cuộc sống đường phố.
Gói hỗ trợ mới nói trên sẽ được phân bổ hỗ trợ khoản tiền đặt cọc giúp các đối tượng trên tìm nơi ở. Cùng với đó, Chính phủ Anh cũng đã công bố các kế hoạch cung cấp 6.000 nhà ở dự phòng cho những trường hợp khó khăn nhất. Dự kiến, năm 2021 sẽ có 3.300 nhà ở loại này sẵn sàng đón người vào ở.
Giám đốc điều hành cơ quan xử lý khủng hoảng nhà ở xã hội Anh, ông Jon Sparkles hoan ngênh kế hoạch của Chính phủ Anh, song cho rằng chỉ hỗ trợ tài chính không đủ đảm bảo người vô gia cư có nhà ở, mà cần có quy định pháp chế để đảm bảo tất cả những người có nguy cơ đều có chỗ ở an toàn./.
Nguồn báo Vietnam+