Cộng hưởng Schumann và sức khỏe
Cộng hưởng Schumann (The Schumann Resonance) là gì?
Cộng hưởng Schumann là hiện tượng điện từ tần số cực thấp (Extremely Low Frequency - ELF) được hình thành giữa tầng điện li và bề mặt Trái đất dưới tác động của từ trường Trái đất. Cộng hưởng Schumann được phát hiện bởi Tiến sĩ Vật lý người Đức Winfried Otto Schumann vào năm 1952, khi đó tần số của cộng hưởng Schumann đo được là 7,82 Hz [10]. Cộng hưởng Schumann không phải là tần số cố định. Thông thường, tần số chính đo được khoảng 7,83 Hz, tuy nhiên có những dải tần số khác đã được xác định như dải 14,07 Hz, 20,25 Hz, 26,41 Hz và 32,45 Hz.
Cộng hưởng Schumann rất quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng và ổn định trường điện từ trái đất. Theo các nhà vật lý, tần số 7,83Hz của cộng hưởng Schumann được ví như nhịp tim của Trái đất.
Cộng hưởng của Schumann có tác động như thế nào đến sức khỏe con người
Năm 1960, Tiến sỹ Schumann và Tiến sỹ sinh học Ruetger Wever qua các nghiên cứu thực nghiệm đã đưa ra giả thuyết: Cộng hưởng Schumann có ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe sinh học của nhiều loài động, thực vật trên Trái đất, đặc biệt là hệ thần kinh và khả năng điều chỉnh hành vi của các loài động vật có vú, trong đó có con người. Theo đó, các sinh vật sống trên Trái đất, bao gồm con người đã tiến hóa, phát triển và trở nên thích ứng với tần số của cộng hưởng Schumann trong hàng ngàn năm qua.
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng ban đầu đưa ra những bằng chứng cho thấy tần số Schumann 7,83 Hz có tác động tích cực đến sức khỏe nói chung và sức khỏe tinh thần nói riêng của con người.
Theo các nhà khoa học, hoạt động của hệ thần kinh không chỉ phản ứng với những thay đổi của cộng hưởng Schumann mà còn tự điều chỉnh và đồng bộ hóa theo thời gian để đảm bảo các hoạt động dẫn truyền thần kinh được bình thường [3]. Bộ não hoạt động trong dải tần số 0-30 Hz, trong đó sóng alpha nằm ở trung tâm của phổ sóng não, dao động từ 7,5 - 12,5 Hz, gần với tần số chính 7,83Hz của cộng hưởng Schumann. Sóng alpha liên quan đến sự thư giãn, cải thiện khả năng tập trung, tiếp thu thông tin tin mới và sự sáng tạo. Cộng hưởng Schumann cung cấp dải tần số phù hợp với sóng alpha, mang đến sự tự điều chỉnh cần thiết của bộ não cho các hoạt động liên quan đến trí nhớ, sự tập trung và thư giãn [5]. Thiếu tiếp xúc với từ trường của trái đất và cộng hưởng Schumann là một trong những yếu tố nguy cơ gây gia tăng mệt mỏi, trầm cảm, và không trọng lượng ở các phi hành gia trở về từ không gian [4].
Một vài bằng chứng cho thấy sự biến động của cộng hưởng Schumann có liên quan đến nguy cơ nhập viện và tử vong ở các bệnh nhân có bệnh lý nền. Theo các nhà khoa học Nhật Bản, dường như có mối liên quan giữa cộng hưởng Schumann và sự thay đổi nhịp tim, hay huyết áp [9]. Tại Tây Ban Nha, các nhà khoa học cũng ghi nhận số ca nhập viện do các bệnh tim mạch tăng lên trong khoảng thời gian có sự biến động bất thường của cộng hưởng Schumann [8]. Trong khi đó các bằng chứng tại Thái Lan chỉ ra tương quan giữa sự biến động của cộng hưởng Schumann và số lượng ca tử vong ở bệnh nhân ung thư, tim mạch hay các bệnh về thần kinh có giảm melatonin [7]. Khi cơ thể tiếp xúc với điện từ tần số cực thấp (ELF), dao động trong khoảng từ 16,7 Hz đến 50/60 Hz, sẽ làm giảm đáng kể mức độ melatonin trong máu [6]. Melatonin là một hormone do tuyến tùng tiết ra có chức năng điều hòa đồng hồ sinh học và giấc ngủ. Sự suy giảm hormone này sẽ dẫn đến sự rối loạn nhịp sinh học, gây chứng mất ngủ, và suy giảm lâu dài sẽ gây suy giảm sức khỏe nói chung, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý nền [11].
Gần đây, một vài nghiên cứu y học thực nghiệm liên quan tần số Schumann đã được tiến hành. Thông qua việc ứng dụng các thiết bị phát ra các dải tần số Schumann phù hợp, các nhà khoa học đã chứng minh bộ não con người đã luôn có sự tự điều chỉnh theo các dải tần số phát ra và qua đó duy trì chức năng nhận thức, truyền thông tin nhanh chóng hơn từ đó góp phần tăng cường trí nhớ [5, 7], và giảm các triệu chứng mất ngủ, cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của con người [2]. Ngoài ra, cộng hưởng Schumann còn được ứng dụng trong sự tăng cường quá trình chữa lành vết thương, giảm viêm một cách tự nhiên, cũng như giảm căng thẳng, mệt mỏi. Trường điện từ tần số cực thấp ELF đã được ứng dụng trong phục hồi vết thương qua điều chỉnh dạng sóng, tần số, biên độ và thời gian tiếp xúc với ELF của các mô bị tổn thương ở các giai đoạn phục hồi khác nhau [1].
Ngày nay, chủ đề về cộng hưởng Schumann và sức khỏe con người ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, đặc biệt gần đây khi có sự gia tăng đột biến của cộng hưởng Schumann trên trái đất. Mặc dù tần số Schumann đã được ứng dụng trong công nghệ truyền thông không dây, điện dân dụng từ lâu, nhưng các nghiên cứu ứng dụng cộng hưởng Schumann trong y học điện tử mới chỉ bắt đầu và hứa hẹn đem đến những phát hiện và hiệu quả nhiều hơn trong tương lai nâng cao sức khỏe và phòng, chống các bệnh liên quan sức khỏe tâm thần, và các bệnh không lây nhiễm.
Tham khảo thêm tại:
1. Gualdi, G., Costantini, E., Reale, M., et al. (2021), "Wound Repair and Extremely Low Frequency-Electromagnetic Field: Insight from In Vitro Study and Potential Clinical Application", Int J Mol Sci, 22(9).
2. Huang, Y. S., Tang, I., Chin, W. C., et al. (2022), "The Subjective and Objective Improvement of Non-Invasive Treatment of Schumann Resonance in Insomnia-A Randomized and Double-Blinded Study", Nat Sci Sleep, 14, pp. 1113-1124.
3. McCraty, R., Atkinson, M., Stolc, V., et al. (2017), "Synchronization of Human Autonomic Nervous System Rhythms with Geomagnetic Activity in Human Subjects", Int J Environ Res Public Health, 14(7).
4. Saroka, K. S., Vares, D. E., and Persinger, M. A. (2016), "Similar Spectral Power Densities Within the Schumann Resonance and a Large Population of Quantitative Electroencephalographic Profiles: Supportive Evidence for Koenig and Pobachenko", PLoS One, 11(1), p. e0146595.
5. Cherry, N. J. (2003), "Human intelligence: The brain, an electromagnetic system synchronised by the Schumann Resonance signal", Medical Hypotheses, 60(6), pp. 843-844.
6. Cherry, Neil (2002), "Schumann Resonances, a plausible biophysical mechanism for the human health effects of Solar", Natural Hazards, 26(3), pp. 279-331.
7. Cherry, Neil (2003), "Schumann Resonance and Sunspot Relations to Human Health Effects in Thailand", Natural Hazards, 29(1), pp. 1-11.
8. Fdez-Arroyabe, Pablo, Fornieles-Callejón, Jesus, Santurtún, Ana, et al. (2020), "Schumann resonance and cardiovascular hospital admission in the area of Granada, Spain: An event coincidence analysis approach", Science of The Total Environment, 705, p. 135813.
9. Mitsutake, G., Otsuka, K., Hayakawa, M., et al. (2005), "Does Schumann resonance affect our blood pressure?", Biomedicine & Pharmacotherapy, 59, pp. S10-S14.
10. Nickolaenko, A. P. (1997), "Modern aspects of Schumann resonance studies", Journal of Atmospheric and Solar-Terrestrial Physics, 59(7), pp. 805-816.
11. NIH (2022), Melatonin: What You Need To Know, accessed-28/3/2024, from https://www.nccih.nih.gov/health/melatonin-what-you-need-to-know#:~:text=Melatonin%20is%20a%20hormone%20that,in%20the%20body%20beyond%20sleep.
ThS. Phương Dung - Khoa YTCC