Bệnh nhân thứ hai không phát hiện được HIV sau ghép tế bào gốc

Một trường hợp thứ hai không phát hiện được HIV sau khi được ghép tế bào gốc và ngừng sử dụng thuốc kháng retrovirus (ARV) trong 18 tháng, tương tự như trường hợp 'bệnh nhân Berlin'.

HIV là một virus có khả năng ngụy trang. Virus gây nhiễm vào các tế bào khỏe mạnh và tích hợp vật liệu di truyền vào tế bào chủ để lẩn tránh hệ thống miễn dịch. Đây chính là chiến thuật sinh tồn cao nhất của virus và tồn tại mãi mãi. Các loại thuốc ARV điều trị HIV chứng tỏ ngày càng có hiệu quả, ít tác dụng phụ hơn và giúp làm giảm lượng virus đến mức tối thiểu. Nhưng HIV không bao giờ biến mất hoàn toàn và có thể trú ẩn trong các tế bào bị nhiễm tiềm ẩn (ổ chứa virus) trong cơ thể. Đó là lý do tại sao đến nay, người nhiễm HIV chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Ngoại trừ một trường hợp được gọi là bệnh nhânBerlin, tên thật là Timothy Brown, đã khỏi nhiễm HIV trong 11 năm. Một trường hợp thứ hai đã được xác định sau khi cấy ghép tế bào gốc tại Viện nghiên cứu IrsiCaixa ở Barcelona. Bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc ARV và không phát hiện được HIV trong 18 tháng sau đó. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn thận trọng trước khi phát biểu khẳng định đã điều trị khỏi cho bệnh nhân này.

“Đây là một trong những kỳ tích. Bệnh nhân Berlin không phải là một giai thoại. Chúng tôi đã phát hiện được trường hợp tương tự thứ hai. Chúng tôi chưa khẳng định đã chữa khỏi HIV hoàn toàn cho bệnh nhân này, nhưng ở các trường hợp khác virus phát triển trở lại khi gián đoạn điều trị HIV,”, Javier Martínez-Picado, nhà nghiên cứu tại IrsiCaixa và đồng chủ nhiệm của dự án quốc tế IciStem đã công bố trên tạp chí Nature . Mặt khác, trường hợp này giống với bệnh nhân Berlin, người nhiễm HIV ngừng điều trị ARV sau cấy ghép tế bào gốc tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu, và các xét nghiệm không phát hiện được HIV trong cơ thể.

Cấy ghép tủy xương là giải pháp điều trị bệnh bạch cầu trong trường hợp của Brown. Như chúng ta đã biết, bệnh bạch cầu và các bệnh huyết học khác được điều trị bằng loại hóa chất mạnh vào nơi có khối u ác tính và là một trong những ổ chứa HIV. Phương pháp hóa trị liệu được tối ưu để điều trị các tế bào khối u và các tế bào nhiễm bệnh tiềm ẩn. Sau đó, tế bào gốc từ một người hiến khỏe mạnh được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân, giúp tủy xương được tái tạo lại với các tế bào khỏe mạnh và chữa khỏi bệnh bạch cầu, đồng thời loại bỏ được HIV.

Ngoài yếu tố quyết định là ghép tủy, Brown còn có điểm đặc biệt là có đột biến ở một trong hai alen của gen CCR5 Delta 32, một đột biến di truyền ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào. Khi đột biến này (có ở 1% dân số châu Âu) nằm trong hai alen của mỗi gen, HIV không thể xâm nhập vào tế bào. Brown được cấy ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng mang đột biến này và các xét nghiệm đã không phát hiện được dấu vết của virus trong 11 năm.

Một trường hợp khác là người đàn ông đến từ Vương quốc Anh được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003. Năm 2012, người này được bắt đầu điều trị ARV và được chẩn đoán ung thư hạch Hodgkin ngay sau đó. Năm 2016, bệnh nhân này đã được ghép tế bào gốc. Không giống như Brown, bệnh nhân này không có đột biến gen CCR5 Delta 32, nhưng các tế bào của người hiến đã được cấy ghép mang đột biến này. Mười sáu tháng sau khi can thiệp, các bác sĩ của bệnh viện Luân Đôn nơi anh được điều trị đã chỉ định ngừng thuốc ARV  và một năm rưỡi sau các xét  nghiệm vẫn không phát hiện được virus.

Cán bộ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Viện IrsiCaixa.

Với các kỹ thuật xét nghiệm hiện có, không tìm thấy có sự mặt của HIV ở bệnh nhân London. Trên thực tế, với sự hỗ trợ của IrsiCaixa, bệnh nhân được đo tải lượng HIV bằng các thiết bị có độ nhạy cao. “Các phương pháp xét nghiệm huyết thanh học cũng không tìm thấy kháng thể HIV trong người bệnh, tương tự như những gì quan sát được ở bệnh nhân Berlin. Ở một người nhiễm HIV thông thường, nếu ngừng điều trị ARV thì sau hai tuần virus sẽ tái phát. Nhưng trong trường hợp này, không tìm thấy virus cũng như kháng thể kháng virus sau 18 tháng ngừng điều trị” tiến sĩ María Salgado, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Irsicaixa, được hỗ trợ bởi La Caixa và Generalitat của Catalonia, là Viện duy nhất của Tây Ban Nha thực hiện vào nghiên cứu này.

Tuy đây là một tin vui đối với người nhiễm HIV, nhưng các bác sĩ cho rằng phương pháp này không thể áp dụng đối với tất cả các bệnh nhân cho dù ghép tủy xương để chữa khỏi HIV là khả thi. “Loại này cấy ghép là một thủ thuật có nguy cơ cao và chỉ được khuyến cáo đối với các bệnh về máu nghiêm trọng. Thật vô nghĩa khi thực hiện thủ thuật có nguy cơ tử vong ở một bệnh nhân nhiễm HIV có tuổi thọ bình thường chỉ vì cho rằng anh ta sẽ được chữa khỏi HIV” - Bonaventura Clotet, giám đốc của IrsiCaixa nói. Trên thực tế, khi lựa chọn của người hiến tặng tế bào cho bệnh nhân nhiễm HIV, cần nghĩ đến tính tương thích, khả năng thành công của việc chữa trị bệnh về máu, và không phải người hiến tặng nào cũng có đột biến gen CCR5 Delta 32.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngoài hiệu quả của cấy ghép và sự hiện diện của đột biến, còn có các yếu tố khác có thể dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của virus. Ví dụ như hội chứng chống lại “yếu tố lạ”. Tình trạng này xảy ra sau khi cấy ghép, các tế bào của người hiến tặng tấn công tế bào của người nhận. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng các tế bào khỏe mạnh của người hiến tặng cũng có thể tiêu diệt các tế bào lympho đang bị nhiễm bệnh ở các ổ chứa và vô tình khiến cho virus biến mất.

Nguồn: Web de PRISA (05 March 2019)

Link: https://elpais.com/elpais/2019/03/05/ciencia/1551773416_683564.html

Thanh Huyền - Khoa HIV/AIDS

 


Các bài viết liên quan