Niềm tin ở sức mạnh văcxin

Phòng chống dịch bệnh cần được coi là một trong những hoạt động ưu tiên trong hệ thống y tế hiện nay, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo. Hệ thống dự phòng cần đặc biệt tập trung cao độ phòng chống các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… - những dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè. Đây đang là thời điểm các tỉnh miền Bắc "nóng” với viêm não Nhật Bản, còn tại các tỉnh miền Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bệnh tay chân miệng rất đáng lo ngại. 

Tiêm văcxin cho trẻ em

Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh không thể thiếu vũ khí văcxin. PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ khuyến cáo: Những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng thì cha mẹ nên đưa con đi tiêm ngay. Vụ dịch sởi gần đây là bài học xương máu, nếu như tất cả người dân có ý thức đưa con đi tiêm thì dịch đã không xảy ra. "Nếu như không có gì thay đổi, bắt đầu từ tháng 8 tới,TP.HCM sẽ tổ chức tiêm văcxin viêm não Nhật Bản trên toàn địa bàn TP cho các trẻ từ 1 đến 5 tuổi”- bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòngTP.HCM cho biết. 

Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các Sở chủ động điều tra, lập danh sách trẻ em, học sinh để phối hợp với các Sở Y tế địa phương triển khai chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella tại trường học,nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo trên toàn quốc, tránh bỏ sót đối tượng. 

Không chỉ đội ngũ các chuyên gia y tế hàng đầu, ngay cả truyền thông cũng luôn khuyến cáo, văcxin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn. Phòng bệnh chủ động là nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng. Đầu tư cho tiêm chủng dự phòng bằng vắcxin là đầu tư cho phát triển. Lợi ích to lớn của việc tiêm chủng và tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng là chi phí cho việc đưa trẻ đi tiêm rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để chữa bệnh. 

GS Nguyễn Trần Hiển,Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng quốc gia khẳng định, các văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn được cung cấp đầy đủ, nhờ có hỗ trợ kinh phí của Chính phủ trong triển khai kế hoạch tiêm chủng văcxin miễn phí. Tuy nhiên thực tế vẫn có người dân không tuân thủ lịch tiêm chủng, thiếu lòng tin với tác dụng và tính an toàn của tiêm vacxin sau một số tai biến xảy ra thời gian qua. Điều đó làm giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêm chủng nói chung và tiêm văcxin dịch vụ nói riêng. 

Khi ngờ vực độ tin cậy của văcxin tiêm chủng mở rộng, người dân chỉ tin tiêm văcxin dịch vụ - phải trả tiền, tiêm các văcxin dịch vụ không nằm trong Chương trình tiêm chủng mởrộng như thủy đậu, cúm, phế cầu chủng, viêm màng não do não mô cầu, HPV ... Cứ vậy, tình trạng ế, rồi "cháy” văcxin dịch vụ xảy ra. 

Hiện nay trên thế giới cũng chỉ sản xuất được 24 loại vắcxin, chưa phòng hết được các loại bệnh, nên ngoài việc cho trẻ tiêm chủng đầy đủ thì các gia đình nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác như vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, nhà cửa...

Đầu tuần này khi Trung tâm y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội triển khai tiêm văcxin"5 trong 1” sau nhiều ngày hết văcxin này, người dân chen chân đi tiêm khá vất vả. Hiện đã có 27.000 liều vắc xin 5 trong 1 được nhập về VN và đã được các nhà phân phối chuyển đến các đơn vị tiêm chủng dịch vụ. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tuy nhiên, số văcxin này còn ít ỏi so với nhu cầu. 

Sở dĩ khan hiếm văcxin dịch vụ vì năm ngoái 2013 nhập về không tiêu thụ hết khiến năm nay doanh nghiệp nhập cầm chừng. Gần một tháng qua nhiều gia đình lo nháo nhào, có nhà đưa con ra nước ngoài tiêm chủng. Số này dù không nhiều nhưng quả đã lãng phí không cần thiết. Theo GS Hiển, việc tiêm ở trong nước và nước ngoài không khác nhau về quy trình và ở các nước trên thế giới cũng có những trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng.

Nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh chủ động là nhu cầu chính đáng của người dân nước ta dù tiêm chủng mở rộng quốc gia hay tiêm phòng dịch vụ. Đặc thù văcxin là được sản xuất bằng công nghệ sinh học nhiều công đoạn phức tạp. Thời gian cần để sản xuất khoảng 6 tháng, hạn dùng ngắn và điều kiện bảo quản đặc biệt. 

Muốn đảm bảo đủ văcxin dịch vụ, giữa các cơ sở tiêm chủng và các doanh nghiệp trong nước, các nhà cung cấp nước ngoài phải phối hợp chặt chẽ - lập kế hoạch sản xuất và cung ứng. Phối hợp lỏng lẻo khiến xảy ra tình trạng căng thẳng thiếu thừa khó đoán.Ngành y tế bị trách oan mà người dân nhiều khi phải chen lấn, xếp hàng lấy số khổ sở ở các điểm tiêm chủng.

Đã có nhiều cuộc tranh luận khắp nơi về tính an toàn của văcxin, tác dụng phụ của nó và ảnhhưởng của thông tin mập mờ chỉ khiến mức độ lo ngại với vắc xin tăng lên. Thếgiới đã từng phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng do quan niệm sai lầm về tiêm chủng đến mức nhiều quốc gia buộc phải ra luật tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Nước ta không thể để xảy ra điều đó. 

Chương trình tiêm chủng mở rộng nước ta được áp dụng cho các cháu dưới 5 tuổi với 11 loại văcxin khác nhau. Thành quả của Chương trình 29 năm qua với 10/11 văcxin là văcxin trong nước sản xuất rất đáng được coi là liều thuốc tinh thần đối với những phụ huynh còn lưỡng lự trong việc tiêm văcxin cho trẻ. 

Vấn đề là cần tăngcường truyền thông tư vấn, củng cố niềm tin cho các ông bố bà mẹ và người dân nói chung về niềm tin ở sức mạnh văcxin, về thành tựu của tiêm chủng mở rộng cũng như tính an toàn và hiệu quả của các văcxin đang triển khai. Chỉ khi các bậc cha mẹ hiểu rõ các tác dụng phụ của việc tiêm văcxin thường không gây nguyhiểm và rất hiếm khi xảy ra, tin tưởng ngành y tế đã đang và sẽ cố gắng với hết tinh thần trách nhiệm của mình đảm bảo tiêm văcxin là an toàn và hiệu quả, thì mức cảm tình và ý định trọng dụng văcxin mới sắc nét và rộng khắp. 

Tính bền vững của tiêm chủng nhờ đó được xây dựng và củng cố, người dân thông suốt tư tưởng trongviệc đưa trẻ đi tiêm vắcxin. Tự tin tiêm chủng như một liều thuốc phòng bệnh đặc hiệu và còn như một món quà.

 


Các bài viết liên quan